Mar 28, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
TÔI VỀ
Hình ảnh
#1
#2
#3
Bấm vào hình
để phóng to
BÍCH XUÂN

Mùa hè ở Sài Gòn buổi chiều thường có những cơn mưa phùn làm dịu bớt cơn nóng trong người. Tôi nằm lì trong khách sạn chờ mặt trời lặn rồi mới bước ra đường. Ở Pháp trên hai mươi năm, lần đầu tiên về thăm quê hương, nhớ lúc máy bay vừa hạ cánh rồi dừng hẳn lại, lòng tôi cảm thấy hồi hộp, lo âu điều gì viển vông ...
Các cửa quầy hộ chiếu của nhân viên làm việc trong phi trường Tân Sơn Nhất được che ngang tấm kính, họ mặc đồng phục màu xanh lá mạ. Tôi nhìn chung quanh, nhân viên làm việc trong phi trường, hết chín mươi phần trăm là người miền Bắc.

Tôi đưa passport hồi hộp chờ đợi... Người nhân viên ngước nhìn tôi, rồi nhìn vào tấm hình trong hộ chiếu không nói gì rồi trả lại passort cho tôi. Tôi đã đi lung tung khắp nơi không sợ, ấy vậy mà khi về VN tôi lại... run , y như là nhõng nhẽo với mình chưa từng đi đâu bao giờ !
Hai ngày đã quen với sinh hoạt ở Sài Gòn, nhưng tôi chưa dám ra mua một thứ gì, hay ăn một món gì trong các quán cơm bên cạnh. Hai ngày đầu tôi chỉ ăn hủ tiếu và cơm cá kho mặn tại khách sạn, không dám ăn uống vô tư ở ngoài, sợ bị đau bụng như báo chí trong nước thường nói đến. Tôi ít thích ăn cơm, ăn tiếp ba ngày là thấy ngán. Tôi ăn trái cây thì khỏi phải sợ bị trúng độc.

Khách sạn ở đường Lý Thường Kiệt, phòng còn mới nên rất sạch sẽ. Khách sạn có camera đặt ở mỗi hành lang. Ban đêm có hai bảo vệ canh gác. Ðể cạnh tranh, giá thuê phòng cá nhân khách sạn 30 đô, tụt xuống còn 25 đô một ngày, còn ở đường Phạm Ngũ Lão và đường Bùi Viện thì giá 10 đô, phòng sạch sẽ, nhưng hơi cũ đã có mùi ẩm ướt. Con đường nhỏ rất ồn ào vì người qua lại rất nhiều. Nghe đâu có khách ngoại quốc đã mất máy vi tính cầm tay (laptop) và máy camera, không phải kẻ lạ vào phòng mà chính là khách đến thuê phòng rồi thừa cơ phá cửa vào lấy trộm. Chuyện du khách mất đồ trong khách sạn đòi chủ nhân bồi thường là chuyện không tưởng. Ðể cho bảo đảm, vật sở hữu nào có giá trị nên gởi lại cho khách sạn mỗi khi ra ngoài, ngay như cả passport cũng vậy. Ngày đầu mướn phòng tôi chỉ đưa bằng photocopy, sau thì tôi gởi passport cho khách sạn giữ luôn. Trước khi ngủ hoặc đi đâu, tôi đều khóa valise lại (cẩn thận vẫn hơn). Về ở trên quê hương của mình mà lòng cứ nơm nớp phập phồng như đến một xứ nào lạ hoắc lạ huơ...

“ Chợ Ðêm” ở Bến Thành bắt đầu sáu giờ chiều người ta che “tăng” để làm quán ăn, nấu nướng ngay tại chỗ, đủ các món ăn kể cả món thịt ếch còn sống treo tòng teng trên bếp, chờ khách thích con nào đem xuống chặt đầu, lột da bỏ vào chảo dầu. Ui chao, giữa trung tâm đô thị về đêm mà nhìn mấy chàng ếch đang treo cổ, đưa cái bụng trắng tinh nằm chờ chị bếp cho vô vạc dầu, để làm khoái tỷ cái lưỡi của bợm nhậu làm tôi bỗng lạnh mình. Nằm san sát quán ăn là các hàng bán áo quần, đủ loại, đa số là hàng của Trung quốc và đồ lưu niệm .

Ngày cũng như đêm, ở quận nào người và xe chật ních. Xe gắn máy, xe hơi, người đi bộ đầy trên đường phố, mạnh xe ai nấy chạy, mạnh người nào nấy đi bất kể khi đèn đỏ. Hôm nay tôi cũng muốn đi tìm cảm giác lạ nên cũng nhảy lên xe gắn máy, ngồi phía sau thằng em để nối đuôi chạy theo đoàn xe hít thở bụi đường. Thỉnh thoảng tôi hét “ái ái” rồi co chân lên tới cằm, sợ chiếc xe bên kia gần như muốn húc vào chân mình chỉ còn trong gang tấc... Khói xe hòa bụi mờ trong rừng người, tạo thành một khung cảnh hỗn độn vô trật tự giữa trưa hè bỏng rát. Mồ hôi nhễ nhại trên mặt mỗi khi xe ngừng lại, thấm ướt không biết mấy cái khăn giấy. Khăn giấy ở Việt Nam chùi một cái đã vụn nát.

Ðang trên đường, bỗng một người đi xe ngược hét lớn: “ Có công an anh ơi !” thằng em định quay đầu lại thì đã trễ, anh công an đứng ở góc đường, đưa tay ngoắc bảo nó tấp xe vào lề. Thằng em tôi lẩm bẩm:“Chết! đi ngược chiều rồi”.. Xe ngừng, anh công an nói: “Anh có biết đã vi phạm luật đi đường không ? ” Thằng em tôi lí nhí: “Dạ biết! ” Anh công an hỏi “Biết tại sao anh đi ngược!” Tôi có tính tinh nghịch tiếp lời thằng em:“ Dạ, vì nó không thấy anh đứng đây, nếu thấy anh nó không dám vào đâu !” Anh công an bỗng bật cười, thằng em tôi cười theo, anh công an, anh ra dấu biểu nó đi đi ...

Xe Honda của Trung quốc bảy triệu đồng một chiếc, (chừng 0 đô) Honda Nam Hàn thì mười triệu (chừng 0 đô ) nhưng cũng còn rất nhiều người nghèo, nên việc mua xe Honda không phải là dễ... Hàng nội hóa của Trung quốc nhất là áo quần bán ở VN so ra rẽ rề, nhưng sờ đến máy móc ví dụ như máy ảnh, máy vi tính (Laptop) v.v... mắc hơn giá bán ở nước ngòai . Một tuần ở Sài Gòn đi đâu tôi cũng đi bằng taxi, con đường gần mà mấy ông taxi chạy vòng thành đường xa, một tuần lễ tính ra hơn hai trăm đô. Sài Gòn các cô đi xe máy, xe đạp sợ nắng ăn da nên ra đội mũ tai bèo, găng tay gần nách, mặt che kín chỉ chừa đôi mắt, thoạt nhìn giống như đàn bà của xứ Ả Rập.

Tôi mướn xe Honda mỗi ngày 5 đô nhưng họ đòi passport, tôi không chịu đưa, nên nhờ người quen đứng thuê xe dùm. Cuốn sổ passport là “linh hồn”, chớ dại mà đưa bất cứ ai trong bất cứ trường hợp nào. Tôi luôn luôn có hai, ba tờ photocopy trong xách, cần hỏi là có sẵn. Tôi có tính cẩn thận nên trước khi về VN cũng đã photos vé máy bay và passport gởi đến tòa Ðại sứ Pháp ở VN, nếu có gì thì tôi đã có tất cả hồ sơ trong sứ quán Pháp. Khi đến Việt Nam tôi không bị một trở ngại gì, nhưng bị “Việt gian” (từ để gọi những người Việt Nam buôn gian bán lận) trong giới thương mại đụng đâu “chém” đó và giới taxi cứ chạy vòng vo khi trả tiền méo... mồm luôn. Chuyện này cũng là thường tình đối với Việt kiều thôi .
Ði một vòng Sài Gòn ban đêm nhất là các quán cóc trên các vĩa hè, giới buôn thúng bán bưng đủ loại. Thành phố xô bồ như cái chợ. Ban đêm hay ban ngày, dù mưa hay nắng, dù ruồi muỗi bên đống sình, người dân ở thành phố họ ăn đứng, ăn ngồi, ăn chồm hỗm dưới đất thật ngon lành, nhìn họ ăn như một lối... thiền .

Ba mươi năm, bây giờ Việt Nam là thời đại của máy vi tính. VN có những siêu thị lớn, nhỏ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tôi vào một siêu thị có mấy anh cận vệ đứng kiểm soát không cho đội mũ và mang xách vào, (phải gởi tại quầy ở ngoài). Giá cả ghi sẵn, mắc gấp hai lần so với ở ngoài.

Ði Thủ Thiêm, sau khi mua vài ký thịt, chị bán hàng mời mua nốt phần còn lại. Chị chỉ cái cân thấy rõ 650/gr nhưng chỉ tính tiền 500/gr thôi. Khi về, người nhà đem cân lại chỉ còn 300/gr. Chị bạn dặn, lần sau không nên mua hàng bán rong ngoài đường.

Qua Thủ Thiêm phải ngang một con sông. Nước sông Thủ Thiêm đục đen, mùi hôi nồng nực của bùn sình xông vào mũi như muốn ọe ra, tôi phải nín hơi để ra đến giữa sông mới thở lại bình thường.

Tôi bước vào một quán ăn. Ðôi chân của hai người ngoại quốc đập vào mắt tôi. Hai vế chân của họ bị muỗi cắn nát đến sưng u, đỏ hỏn. Bất chợt tôi nhìn xuống đôi chân mình, chỉ có hai dấu răng của muỗi chích thôi. Mỗi khi ra đường, dù là ban ngày tôi đều thoa thuốc chống muỗi từ bắp chân xuống đến bàn chân, ấy vậy mà muỗi nó lại chui tuột dưới lòng bàn chân cắn tí “thịt” hút máu Việt kiều một phát cho đã mới thôi !... Mà lạ lùng ban ngày ngồi uống nước, mấy con muỗi cứ nhắm chân tôi mà cắn, ngứa đến không chịu được, trong khi những người ngồi bên cạnh thì không sao! Hình như muỗi nó cũng biết phân biệt cái “mùi” da của người ở nước mgoài? Không tin quý vị về Việt Nam sẽ biết ngay.

Nhà Bè, bồng bềnh trên mặt nước, (lần đầu tiên tôi được nhìn thấy). Nước sông vàng ngầu, người ta nói nước đục quanh năm, và chủ nhà ở ngay tại đó, dưới sàn nhà là ao nuôi cá. Bây giờ thì tôi hiểu thế nào là cá sông, cá biển. Chúng tôi đi trên chiếc thuyền vào những con kênh nhỏ, hai bên có hai hàng dừa, cao khoảng hai thước, thật là trữ tình nên thơ... Chúng tôi tận mắt thấy dân bản xứ tại đây làm kẹo dừa bằng tay. Dừa xay ra lấy nước nấu với đường, vừa nấu vừa quậy khi nào cho thật keo rồi đổ ra, phả lại một lần cho bằng như tấm ván, để nguội 15 phút, cuối cùng cắt ra từng miếng nhỏ, gói trong một tờ giấy mỏng như sương. Cứ thế mà làm hết ngày này tháng nọ. Dừa còn làm dầu để thoa tay chân và tóc để khỏi bị khô... Tôi cùng các du khách mỗi người mua vài gói kẹo để làm kỷ niệm. Ðến mua tận gốc mà mắc gấp hai lần giá bán ở chợ. Doanh thu mỗi ngày càng nhiều trên các du khách là một thành công, nhưng người ta quên một điều chỉ được một lần rồi thôi. Ngành du lịch ở Việt Nam chỉ biết “chém” tiền khách chứ không giữ chân khách trở lại lần thứ hai. Về VN tôi đã có chút kinh nghiệm, ấy vậy mà vẫn bị... lầm ! Ðâu phải có kinh nghiệm rồi mà không bị lừa ! Khách nước ngoài đến VN càng đông, nhờ vào lối quảng cáo hấp dẫn, nhưng có những con buôn làm tiền trắng trợn quá làm cho người mua đôi khi đâm ra nghi ngờ e ngại !

Bị “chặt” những số tiền vô lý, dù không là bao, nhưng cũng rất bực mình. Họ làm tiền rất trắng trợn. Ví dụ: Trên tàu (có ghế ngồi) để ra Cù Lao Chàm chúng tôi trả tiền gấp ba lần mà không được ngồi ghế, hỏi tại sao thì chủ tàu nói vì là người nước ngoài, mặc dù người trong gia đình và chủ tàu là chỗ đã quen biết. Ðáng lý tôi mua vé đi tours có tổ chức đàng hoàng hơn, nhưng phải mua vé trước một ngày, không để phí thời giờ chúng tôi đi tàu dành cho giới buôn bán. Khi trở vô lại bờ, chúng tôi cẩn thận hỏi giá cả trước, nhưng cũng bị tăng giá ngang xương và còn “chém” thêm một khoản tiền nữa và ba người Việt trong nội địa đi cùng cũng lấy theo giá của người nước ngoài. Thấy chuyện vô lý ông người Việt ở nội địa tức giận la lớn. Số hành khách trên tàu xầm xì “Việt gian” Chủ tàu “quê” quá trả lại tiền cho ba người Việt trong nước, nhưng vẫn “chém” hai vé ngọt xớt của Việt kiều. Hỏi tại sao ? “Việt gian” liền đáp: tiền bảo hiểm ! Nghe ba tiếng tiền bảo hiểm tôi bật cười thành tiếng. Tiền giữ xe tôi phải trả mười ngàn đồng thay vì hai ngàn đồng một chiếc. Còn đi taxi thì họ chạy vòng vo, biết vậy mà không làm sao tránh được .

Tây ba lô dưới mắt người Việt ở trong nước là dân nghèo, nên giới con buôn không thèm chào mời. Các phi công người Pháp làm cho hãng máy bay Vietnam Airlines khôn lắm, khi ra phố cũng quần cụt, xách đeo lưng như vậy họ sẽ được yên thân.. Có những nhóm người Âu Châu, vai đeo ba lô đi tận vào thôn quê hoang vắng, chong lều để tìm cảm khoái lạ, hay là muốn tìm hiểu một cái gì đó! Một cô gái địa phương chỉ nhóm người vừa đi ngang qua nói với tôi: “Tây ba lô nghèo!” Khi nghe tôi giải thích cô gái “A” một tiếng ý là như đã hiểu ra. Người Việt mình nhìn khách du lịch ba lô kiểu này coi thường lắm! Người đời cũng lạ! Cái lớp bề ngoài đôi khi cũng dễ đánh lừa được người ta. Ai thích làm đại gia áo lượt, quần là sẽ được “Việt gian” o bế tận tình và“ chém” đẹp vô tội vạ biết chừng nào !

Tôi ngồi bên cạnh người vá giày ở trên đường Nguyễn Huệ chờ làm đóng lại cái đế giày với giá 15.000 đồng một đôi (khoảng đô) thấy rẻ, tôi đóng hết cả ba đôi vừa mới mua. Trong khi chờ đợi tôi hỏi chuyện anh thợ giày:
“ Làm nghề này lâu chưa anh ? ”
“ Trên hai mươi lăm năm rồi cô”
“ Có bị đóng thuế không ?”
“ Nghề làm chui mà thuế gì cô”
“ Làm vậy mà gọi là chui sao ?”
“ Khi nào thấy “mấy ổng” tụi tôi ôm đồ chạy thấy mồ đó chớ !”
“ Chỗ làm của anh có người tới dành thì sao ?”
“ Thì mình năn nỉ “họ” trả lại chỗ cho mình, vả lại họ biết chỗ này của mình rồi “nó” không chiếm đâu”.
Tôi nhìn anh thợ giày trẻ tuổi đang ngồi phía trước, có khuôn mặt khôi ngô, trên tóc có nhuộm vài sợi tóc màu vàng, rất hợp thời trang đang làm mấy chiếc giày của tôi một cách thong thả, không có gì là vội vàng, mặc dầu bên cạnh còn nguyên một xách giầy chưa làm xong. Cứ ba mươi phút có khách đưa giày đến làm. Tôi nhìn người đánh giày trẻ tuổi rồi quay sang hỏi anh đánh giày lớn tuổi:

“Ðệ tử của anh đó hả ?”
“ Lúc trước là đệ tử, bây giờ tôi phải trả lương cho nó”
“Bao nhiêu mỗi tháng ?”
“ Một trăm ngàn đồng mỗi ngày” (khoảng đô )
“ Anh ngồi đây thấy có gì lạ không ?”
“ Lạ chứ !”
“Lạ như thế nào?”
“Lạ là ... à mà sao cô hỏi kỷ quá vậy, nhà báo hả ? Thôi, tôi không nói đâu, lần trước có một anh đến hỏi rồi đem chuyện tôi nói lên báo, mà còn đăng hình tôi nữa. Thôi tôi không nói đâu ...
Ðang nói chuyện có người đẩy xe bán nước dừa đi ngang qua, người đi đường xúm lại mua, trời nóng quá mà, tôi cũng đến mua một trái giá với giá 4.000 đồng. Bỗng một người đàn bà to lớn, mặt rất dữ tợn, từ trong quán bước ra, đầu đội nón, mặc bộ đồ bông đỏ, chống nạnh la lớn:
“ Ê ! thằng kia ! Ð.M mầy bán dừa phá giá phải không ?
Anh bán dừa vừa thối tiền cho khách vừa trả lời:
“ Bốn ngàn một trái mà phá giá ? bán bốn ngàn cũng như chị .. .”
Người đàn bà trợn mắt hét :
“Ð.M, dừa ở đây tao bán năm ngàn, mày bán bốn ngàn mà nói không phá giá hả ? Mày còn đứng đó tao đập bể nát xe bây giờ.”

Thấy người đàn bà hung tợn chưởi anh bán đừa, mấy người khách không dám mua họ liền bỏ đi. Người bán dừa cũng vội đẩy xe đi một mạch. Tôi hỏi nhỏ anh làm giày: “ Có phải chỗ này của bà ta không ?”
“ Hỏng có ! Người ta bán ngoài đường, ai muốn mua thì mua ! Mấy bà ở chợ dữ như chằng cô ơi !

Ðang nói chuyện thì có khách đến lấy giày, người khách hỏi trả bao nhiêu anh làm giày nói 5.000 đồng, A! giày của tôi cũng đóng đế giống nhau mà phải trả 15.000 đồng một đôi, so ra hơn gấp ba lần .. .

Gặp lại anh bạn cũ của thời thơ ấu, bây giờ là họa sĩ Nguyễn Thiên Chương, anh trình bày các bìa sách báo ở Sài Gòn, anh đưa tôi đi uống cà phê bên lề đường trong một góc phố, ít người và xe qua lại. Tôi không thích ngồi quán cóc, vì ghế không có chỗ dựa lưng. Ghế thấp thật khó chịu cho cái bụng vô cùng. Ðộ mười lăm phút, tôi gặp nhà thơ Phạm Thiên Thư (tác giả bài thơ Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng, được Phạm Duy phổ thành nhạc) nổi tiếng trước năm bảy lăm. Nhà thơ bây giờ bị điếc một tai nên nói chuyện phải nói lớn, hoặc kề sát gần tai. Bây giờ ông hơi lừng khừng, viết một câu văn không thành, phải có người đọc ông mới viết được. Ông mở tiệm cà phê lấy tên Hoa Vàng, tiệm nhỏ nhưng rất xinh, có bàn ngồi uống cà phê ở trên sân thượng rất trữ tình. Chỗ tôi ngồi uống cà phê bên lề cũng là của ông. Ngồi bên này đường nhìn sang bên kia đường là tiệm cà phê Hoa Vàng. Ông tặng tôi tập thơ Tự Ðiển Cười dày gần bằng một gang tay nặng quá chừng. Ông hỏi Nguyễn Thiên Chương viết ký tặng làm sao ? Anh Chương đọc, ông ghi lại y chang.
Khi tôi chào ông để ra về ông nói: “Nghe anh Chương nói cô làm thơ tình hay lắm hả ? Ðọc vài câu nghe chơi”. Tôi kề sát vào tai ông đọc nhỏ (trích bài thơ Yêu Em):
... .. . .. . .. . .
Hãy cọ sát cho châu thân nóng bỏng
Ðôi vòng tay chao động ngực no tròn
Ðưa hồn em cùng ra biển lên non
Hương da thịt còn tê mê đầu lưỡi .

Nghe xong, ông kêu “Ui giời ơi! ui giời ơi!” rồi khoái chí cười hô hố đến híp mắt, ông nói lần sau nhớ đem bài thơ này cho ông xem. Sau này, tôi trở lại lần thứ hai từ giã ông để về Pháp. Ông nói:“ Bây giờ già rồi đâm ra lú lẫn, làm ơn đọc tôi nghe mấy câu thơ tình của cô cho già tỉnh lại chút nào chăng ?” Tôi tinh nghịch kề môi vào tai ông nói nhỏ:

Ước gì em hóa thành mèo
Ðể em cào cấu leo trèo lên anh
.. . .. .
Ước em làm nắng thế mưa
Ðể anh khát nước sáng trưa đến chiều .. .

Nhà thơ nổi tiếng một thời,vừa nghe xong mấy câu thơ như bị ai thọt lét, ông hét lớn: “Ui giời ơi, ui giời ơi” rồi cười ré lên khanh khách. Tôi lại kề sát vào tai ông thủ thỉ:

Bây giờ em vui em hát reo cười
Ðang run rẩy trên làn môi đợi cắn .

Lại “ui giời ơi, ui giời ơi”, ông vừa cười ha hả vừa chu cái môi trên hàm răng hô của ông, trông ngồ ngộ đến tức cười. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi biết ông đã đồng cảm mấy câu thơ trên, và tôi cũng rất may mắn được gặp một người mà tôi từng ái mộ từ lâu. Ông xuề xòa, tính nết dễ chịu, tôi càng quý mến thêm, không ngờ gặp ông thật tình cờ, âu trời cũng không phụ lòng người. Xin từ giã nhà thơ, ông để lại trong tôi một ngày hạnh ngộ nhiều kỷ niệm thân thương khó quên.

Mấy ông bạn ở Việt Nam có cái nhìn hơi lập dị, thường đưa tôi đi cà phê ở quán cóc. Mấy ông họa sĩ này không hiểu họ nghĩ cái chi mà sáng mô cũng ngồi trên cái ghế tí tẹo gần sát mặt đất. Xe cộ qua lại hà rầm, ông đi qua bà đi lại nhìn nhìn, ngó ngó, tôi không thấy tự nhiên tí nào,

Lần sau tôi không ngồi cà phê kiểu này nữa, không như ngồi quán với nhà văn Văn Quang trong tiệm có máy lạnh, mát mẻ mới thấy khoan khoái trong lòng. Trời Sài Gòn nóng quá ít ra cũng phải vậy. Văn Quang là nhà văn nổi tiếng trước năm bảy lăm, có nhiều tác phẩm được làm phim, hiện giờ vẫn còn viết cho các báo trong nước và ở hải ngọai, ông viết về phóng sự nhiều hơn. Ông cộng tác với ba tờ báo ở nước ngoài. Một lần khác, ngồi quán cà phê tình cờ trúng ngay quán cóc con trai họa sĩ Thái Tuấn, Thái Tuấn hiện cư ngụ tại Pháp không ngờ tôi gặp con trai ông ở đây.

Ðà Nẵng là nơi tôi sinh ra và lớn lên, ai ra đi cũng mong có ngày về thăm lại làng thôn của mình, nhưng bây giờ làng xưa lối cũ không còn nữa. Tôi ngạc nhiên làng xưa bây giờ hoàn toàn đổi khác. Ngôi làng có ruộng đồng cây xanh lá, lưa thưa vài mái nhà bây giờ biến thành một khu nhà xây cất chằng chịt theo từng lô đất có giới hạn, không có nhà nào có dư đất để làm vườn. Những ngôi nhà cũ đã giải tỏa, nhà của ba mẹ tôi cũng đã bị giải tỏa, và dọn đến ở nơi khác trên một miếng đất nhỏ xíu. Nhà nào bề ngang cũng năm thước đất, bề dài hai mươi lăm thước. Ðất ít thì xây cao lên ba, bốn tầng (nhìn như cái hộp).
Chị em tôi đi thăm thắng cảnh Ngũ Hành Sơn ở Non Nước, bây giờ lên núi phải mua vé. Tất cả những gì như chùa chiền, hang động ở đây vẫn còn nguyên theo năm tháng của bụi . Những bức tượng thật đẹp do những bàn tay nghệ nhân điêu khắc thật tinh vi sắc sảo, thể hiện trong thần hồn linh động. Tôi mua một tượng Di Lặc bụng phệ ngồi xếp bằng cười toe toét, thật là vui nhìn ai cũng phải cười theo . Tôi lại mua thêm ba miếng mề đay bằng đá xanh Phật Bà với giá 60.000 thay vì 6.000 (lại bị gạt vì đá giả )

Ði vào phố cổ Hội An tôi càng ngạc nhiên hơn. Phố cổ Hội An lịch sự trong yên lặng đằm thắm. Ðường phố có lớp lang đâu vào đó (không buôn bán xô bồ) và qua cách trình bày các sản phẩm thể hiện về nghệ thuật, nhiều nhất là các gian hàng về hội họa, và đồ thủ công nghệ rất khéo tay. Các nữ chủ nhân đa số nói được tiếng Pháp. Tôi cảm thấy có cái gì đó rất gần gũi và thương mến với mình. Hội An có bờ biển cát trắng là Cửa Ðại, sóng nhẹ nước trong, xuất phát từ cảng du lịch đến với thắng cảnh thiên nhiên Cù Lao Chàm 20 phút bằng tàu cao tốc, tàu thường một tiếng. Cù Lao Chàm đã có cách đây 300 năm tuổi nằm giữa đại dương mênh mông cách phố cổ Hội An 19km về phía đông. Từ thế kỷ mười lăm trở về trước, người Champa là chủ nhân của Cù Lao Chàm. Thế kỷ mười sáu người Việt đã có mặt và định cư ở đây. Dân số chừng 3.000 người, sinh sống bằng nghề biển tại hai bãi lớn nhất: Bãi Làng và Bãi Hương. Hồn Cù Lao rất phong phú tuyệt vời, quanh đảo cả một đại dương tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng sóng vỗ vào bờ cát mịn hòa nhịp với tiếng gió như cõi thiên đường hoang sơ, đã gợi lòng khách nhiều bâng khuâng lưu luyến đến lúc ra về có chút quà: Bánh su xê, Bánh ít lá gai do bàn tay của người trên đảo làm ra. Cù Lao Chàm đã xứng đáng được bình chọn làm khu bảo tồn biển thứ hai tại Việt Nam, sau Hòn Mun (Nha Trang, Khánh Hòa) .

Ðến Hội An, tình cờ tôi gặp lại họa sĩ Từ Duy trong một tòa nhà lớn với hai tầng lầu treo đầy tranh ảnh của anh nằm ngay trung tâm thành phố . Từ Duy đã từng được mời sang Paris và Hồng Kông triển lãm tranh ảnh nghệ thuật, đặc biệt tại Paris được phu nhân Tổng Thống Mitterant mua một bức tranh để kỷ niệm với người họa sĩ tài hoa. Từ Duy tâm sự đó là một vinh hạnh lớn trong cuộc đời một người nghệ sĩ trong chuyến đi ở hải ngọai vừa qua. Trong dòng máu đã có dấu ấn nghệ sĩ thì cái nhìn nghệ thuật sẽ khác hơn người thường. Gặp anh, tôi nhớ lại lần gặp anh ở Paris, tôi đã mến cái vẻ “bụi” của anh liền, râu ria bồm xồm, áo quần xốc xếch với cái túi vải một bên vai đúng là một nghệ sĩ. Hôm nay, anh vẫn áo thô quần nội hóa, nhưng không mất đi cá tính hài hước nghệ sĩ có duyên của anh. Tôi ra lại Ðà Nẵng, ngay buổi chiều hôm đó anh đi tìm tôi để cùng gặp họa sĩ Vũ Dương. Vũ Dương cũng đã từng đi Paris triễn lãm tranh. Vũ Dương có cái nhìn về nghệ thuật cao, nhưng anh đạo mạo và áo quần đâu vào đó, nhìn anh như nhà mô phạm hơn là một nghệ sĩ. Ba chúng tôi ngồi dưới hàng thông bên cạnh biển Nam Ô ôn lại dĩ vãng những ngày hai anh gặp tôi tại Paris . Nhưng hôm đó tôi quá mệt, ( vì đi nhiều) trước gió biển mát mẻ, tiếng lá thông vi vu, tôi nói hai anh tiếp tục nói chuyện và chờ tôi một tí. Nói xong tôi nằm lăn trên cát ngủ vùi một giấc. Tỉnh dậy mà người vẫn còn mệt.

Ðể tránh bị “chém” một cách vô tội vạ trong chuyến đi Hà Nội, tôi mua trọn gói chuyến du lịch cá nhân từ Ðà Nẵng, , (ăn ba buổi tại khách sạn), hai ngày ở vịnh Hạ Long và ba ngày ở Hà Nội. Bước ra khỏi phi trường Nội Bài là có người của hãng du lịch đón chúng tôi tại cổng và đưa thẳng ra vịnh Hạ Long..

Ra khỏi phạm vi của phi trường, đường ra vịnh Hạ Long chỉ một con đường đi thẳng. Hai bên là đồng quê và những ngôi nhà nghèo của nông dân, có vài ba căn nhà cao chen kẽ được xây hai, ba tầng, bề ngang nhỏ chừng năm thước, không thấy nhà nào rộng lớn xây cất theo như trong Nam. Thỉnh thoảng thấy bên lề đường tấm bản ghi “Mèo xuất” và “Ô tô đỗ” tôi hỏi anh tài “Bắc kỳ nho nhỏ” thì được giải thích “Mèo Xuất” là quán ăn có món thịt Mèo! “Ô tô đỗ” là có chỗ đậu xe . Ðúng là Bắc kỳ. Kỳ cục

Con đường đến Vịnh Hạ Long chúng tôi ghé Hải Dương mua bánh gai và bánh đậu xanh, hai món này đặc sản tại đây. Bánh gai thì chẳng có gì đặc biệt, họ gói cả một đống lá chuối dày đặc, bên trong bánh mỏng tí tẹo, còn bánh đậu xanh từng miếng nhỏ trong hộp , vừa lấy ra thì đã nát tan trước khi cho vào miệng. Suốt con đường cách 10 phút có bản để “Thịt Chó” và “Mèo xuất”. Quán thịt Chó nhiều hơn là quán thịt Mèo .
Khách sạn Vân Hải nổi bật nằm ngay trên cảng du lịch, vì cao hơn các khách sạn khác. Khách sạn có các anh bảo vệ đứng trước cửa khi có khách đến họ ra mở cửa xe và mang hành lý đến tận phòng. Ðứng trên tầng lầu 11 tôi nhìn thấy rõ dãy núi phía trước thuyền lớn có, nhỏ có trôi trên sóng nước mà ngày mai tôi sẽ lên thuyền ra viếng thăm những dãy núi nơi đó. Sáng hôm sau hai chị em ăn điểm tâm theo kiểu buffet, nhân viên phục vụ rất chu đáo. Phòng ăn trang hoàng đúng theo tiêu chuẩn, bàn ghế đẹp, lịch sự. Riêng hệ thống máy lạnh khách sạn ở VN hầu như mọi nơi đều giống nhau, ra khỏi phòng, cửa đóng, tự động máy lạnh tắt. Về, mở cửa, máy lạnh chạy. Ði chơi buổi trưa nắng cháy, muốn chui vô phòng cho mát, mát đâu không thấy chỉ thấy căn phòng nóng hừng hực, phải chờ 20 phút sau mới mát .

Tivi ở khách sạn này chỉ có ba đài thôi, ba đài đều của quân đội nhà nước. Khách sạn cũng không có máy vi tính, không như các khách sạn tư nhân ở Sài Gòn. Khi biết mình đã“nằm” trong tours du lịch của nhà nước, tôi lo sợ những nguy hiểm chực chờ, nên khi thuyền ra giữa sông Hạ Long, tôi dặn dò thằng em tôi nói năng cẩn thận. Tôi cứ phập phồng sợ bị “gài bẫy” bất cứ lúc nào.

Sáng sớm trong sương trên sông Hạ Long, trăm chiếc thuyền đổ ra biển, thuyền tôi thuộc loại thuyền nhỏ (cho hai người), đi như vậy không vui bằng đi tập thể.,. Biết vậy khi ra Hà Nội đi theo tours giá rẻ mà lại vui hơn.

Hạ Long như bức bình phong che chắn sừng sững trong lớp sương mờ trên sóng nước, từng cánh buồm chập chờn giữa biển, không gió chướng, không mưa rơi. Ðộng Thiên Cung, trong vẻ đẹp lung linh của các rặng đá thiên nhiên trong hang núi. Núi này không có bãi biển, khi tàu cặp bến có chiếc cầu đi thẳng vào hang động. Trong núi còn có năm, sáu hang động khác nữa, nhưng cũng thường thôi. Chỉ có động Thiên Cung là chính vì có vẻ đẹp huyền bí. Khi đoàn người du lịch vào hang động kế bên có vẻ hoang dã hơn, thì các con chim dơi to, đen kêu chiêm chiếp đập cánh bay ra...

Thuyền chị em tôi lướt sóng đi qua một hòn đảo khác, nơi đây có bãi biển để tắm, có quán nước, có cửa hàng bán đồ lưu niệm, tôi mua một chuổi hạt trai với giá 35 đô, thay vì chỉ 25 đô bán trong phố, (mua bị hố). Có bãi biển nhưng ít người xuống tắm vì nước biển đục. Vài chiếc ghe nhỏ bán hàng rong đậu dưới bến. Khách du lịch đa số là dân bản xứ, rất ít người da trắng, lưa thưa dăm ba người nước ngòai, hình như họ là dân Ðại Hàn và Nhật Bản. Thấy nước đục và rác rưới dưới biển, chị em tôi không tắm bèn tháp tùng với đám du khách ngoại quốc trèo lên trên đỉnh núi cao .

Một ngày lênh đênh ngoài vịnh Hạ Long tôi không có cảm giác hứng khởi rạo rực trong lòng, thằng em tôi cũng vậy. Hay là tôi có quá nhiều ấn tượng về vịnh Hạ Long qua sách báo ở hải ngọai, hoặc là tôi đã đi qua một Hòn Cù Lao Chàm thơ mộng, với biển cát mênh mông, nên khi nhìn thấy hang động Thiên Cung ở Hạ Long bớt đi cảm xúc chăng ?
Buổi tối chúng tôi viếng đảo Tuần Châu. Nơi đây họ trang trí và để nhạc trong các hàng cây theo nhạc điệu Trung Hoa. Tôi hỏi anh tài xế có phải đảo này do người Tàu thành lập ? Anh tài xế nói người đề xướng thắng cảnh đảo Tuần Châu này thành nơi du lịch là cá nhân của một người Việt gốc miền Nam. Giữa rừng có một ngôi nhà màu trắng, xây theo kiến trúc của Ý. Bên trong treo các ảnh thời chiến tranh trước năm bảy lăm, và hình ảnh các tướng lãnh. Hai chị em tôi đi chưa hết một phần ở hành lang, mồ hôi chảy rân rân trong lưng như con giun bò từ trên xuống dưới. Bước vào ngôi nhà triển lãm, bịt bùng, hừng hực nóng như lò lửa, tôi cảm thấy ngột ngạt đến khó thở. Hai chị em tôi vội vàng bước ra. Quái! ban đêm giữa hòn đảo mà trời im gió lặng thế này ? Mồ hôi ra như tắm, vừa rít vừa mệt làm tôi buồn ngủ vô cùng. Khiếp, du ngoạn gì nóng nực khổ sở quá vậy nè ! Mệt, làm tôi bước đi không vững...

Hôm sau, trở về Hà Nội, từ Nhà Hát Lớn ngay trung tâm phố Hà Nội, chúng tôi đi bộ đến hai bờ hồ này không xa lắm. Hồ Hoàn Kiếm và Văn Thánh kề sát bên hồ Trúc Bạch. Giữa thành phố có “nước xanh liễu rũ” rất thơ mộng nhìn mát lòng khách giữa cơn nóng hiu hiu buổi trưa. Liễu rũ trên mặt hồ năm tháng rơi. Nước xanh không thấy chỉ thấy nước hồ sền sệt, màu xanh của nước đã ngã màu lục thẩm, liễu rơi đầy năm tháng, không vớt nên nước hồ đã đổi màu, nhìn xa xa cảnh bờ hồ đẹp, đến gần thì cảm giác đẹp bớt đi.

Băng qua con đường là đến phố Hàng Ðiếu, Hàng Ðào, Hàng Gai, Hàng Trống, Hàng Gà, Hàng Nón, Hàng Bông, Hàng Hòm v.v... Trên các con đường, đường nào, tiệm nấy cũng nhỏ hẹp. Phía trên để ở, phía dưới làm nơi buôn bán. Khách nước ngoài, khách nội địa, dân của địa phương qua lại tấp nập trên những con đường buôn bán chính. Ban đêm trên con đường này, khi cánh cửa các gian hàng khép lại, có đủ loại quán cóc lộ thiên ngay bên lề. Có người chỉ cần một cái bếp nhỏ liêu xiêu bên con hẻm, mùi hành tỏi bay ra làm hấp dẫn khách đi đường. Suốt con đường Hàng Ðiếu chỉ nhờ vào đèn đường xe rọi sáng, người ta để một cái dĩa (bánh hay thịt gì đó) dưới đất, trên miếng thịt có cây tăm. Bên lề đường có những khúc xương và giấy lau miệng ngổn ngang dưới đất (hình ảnh này Sài Gòn cũng thấy). Hai người ngồi chồm hỗm ăn một dĩa, mà ba, bốn người một dĩa cũng có. Tôi có cảm tưởng người dân ở đây họ không quan trọng đến bụi bặm, ruồi muỗi, nóng nực mà chỉ chú trọng đến cái thú ăn đêm là chính. Lúc đầu tôi tưởng là dân bia rượu nhưng họ là cũng tình nhân vì họ còn rất trẻ.

Tôi có ấn tượng đẹp về Hà Nội trong văn chương “Ba mươi sáu phố phường”. Hôm nay, nhìn một ba mươi sáu phố phường của Hà Nội vắng những cơn mưa, hay hoa sữa thôi bay trong bụi mờ đã vội tan ngay lòng như cục nước đá giữa buổi trưa hè. Tôi cố tìm một dáng Phố Hàng Ðào, Hàng Giấy, Hàng Bông thơ mộng nhưng có gì đâu? Hỗn tạp như cái chợ ...

Chị em tôi ngủ tại khách sạn nằm gần ga xe lửa. Ðang trong giấc ngủ ngon khoảng ba, bốn giờ sáng đã nghe tiếng còi xe lửa tru tréo đánh thức. Trong giấc ngủ nửa mê nửa tỉnh, chị em chúng tôi cứ chập chờn cho đến sáng. Thật không có gì bực cho bằng, khi giấc ngủ không được “trọn gói”. Trong hợp đồng du lịch, ngày ba bữa ăn, trừ nước uống khách phải chịu. Ðiểm tâm buổi sáng dân Hà Nội cũng như Sài Gòn ăn giống như buổi chính : Mì, phở, hủ tiếu v.v.. . Chị em tôi không ăn mặn buổi sáng chỉ uống cà phê, khi rời khỏi phòng điểm tâm, nhân viên tính tiền cà phê, tôi ngạc nhiên thì họ nói cà phê là nước uống đấy ạ !

Chấm dứt những ngày ở Hà Nội, anh tài xế đưa chúng tôi trở ra phi trường Nội Bài. Anh để nhạc ngoại quốc, tôi yêu cầu mở nhạc Việt, anh đổi sang nhạc Việt và mở rất nhỏ, nhưng tiếng ca réo rắt chát chúa thật khó nghe, tôi nhăn mặt, anh ta đổi sang nhạc khác thấy dễ chịu và hợp với phong cảnh đồng quê hơn.
Trên chuyến bay Vietnam Airlines từ Hà Nội vào Sài Gòn để chuyển máy bay Air France về lại Pháp, tôi ngã người ra hết phía sau, nhắm mắt hít thở không khí êm đềm trên không gian trong sáng. Tôi nhớ lại những gì đã qua. Nhớ bà chủ khách sạn và mấy cô dọn phòng làm tôi thật ngại ngùng lúng túng khi đưa ly cà phê cho tôi bằng hai tay. Nhớ con cháu dâu khúm núm cúi khom người khi tôi gọi nó đến ngồi ăn cơm. Trời! Mấy người làm kiểu gì kỳ vậy ? bộ tôi là Hoàng Hậu sao, mà có Hoàng Hậu mấy người cũng đừng làm thế ! Thời buổi này.. . Mấy người làm tôi “quê” quá! A, tôi nhớ lại rồi, khi tôi đi xe taxi người ta có vẻ “nể” hơn là đi xe gắn máy. Thấy ai có chiếc xe hơi riêng là những người xung quanh tự động hạ thấp giá trị của mình liền.

Nhớ lúc đi cho đến lúc về, buồn vui lẫn lộn. Buồn là không thấy ngôi nhà thương yêu ngày xưa và mảnh vườn bây giờ thành quán cà phê trong có máy lạnh của một người nào đó lạ hoắc. Tôi về, muốn nhìn ngược lại thời gian nơi mình sinh ra và lớn lên, nơi mà ngày trông cho mau tàn, đêm mong chóng lớn, nhưng nơi ấy không còn nữa. Tôi bùi ngùi nhìn những ngôi mộ bên nội tổ và bố mẹ tôi sắp dời đến một phần đất nào đó, mà đã ba lần đã giải tỏa rồi. Mộ phần người chết vẫn chưa được yên. Vui, gặp anh chị em cô bác gần xa, và một thị xã Ðà Nẵng, quê hương tôi trong một chiều hướng thay đổi. Tôi không nói đến Sài Gòn, Hà Nội vì hai nơi này với tôi vẫn còn xa lạ vì tuổi thơ tôi chưa có ý thức cảm xúc. Tôi ở Sài Gòn, Hà Nội như người du khách phương xa. Những ngày ở Hà Nội chị em tôi không dám ăn một thứ gì , mâm cơm ở khách sạn dọn lên còn nguyên, chúng tôi chỉ ăn chén cơm chan tí tương xì dầu cho qua cơn đói, vì nghĩ đến các dĩa thịt trên bàn sợ có món thịt .. . chó và món “mèo xuất” pha trộn thì hoảng hồn. Sài Gòn chẳng có gì để lưu luyến tôi trở lại, thành phố sống động nhưng ồn ào. Tôi muốn trở lại Pháp ngay sau khi đến Ðà Nẵng, nhưng tháng tám có nhiều du khách đến VN không còn chỗ, nên tôi tìm cách đi chơi, chờ đến hết ngày để về và những ngày ở trên biển cát làm tôi có nhiều cảm giác thú vị, vui thích. ..
Chuyện Việt kiều về Việt Nam thăm gia đình, thăm bạn bè hỏi ra ai cũng có tâm trạng na ná như nhau. Chuyện quà cáp anh em trong gia đình, người nói nhiều kẻ chê ít, phàn nàn, giận dỗi, ôi thôi là bực mình, Việt kiều ngu ngơ như tôi rất sợ “Việt... gian”..

Tôi rất thoải mái và rất hạnh phúc khi về lại căn nhà nhỏ thân yêu của mình bên dòng sông Seine trong vùng Ivry ngoại ô Paris. Tôi bỗng mỉm cười bâng quơ, mơ màng đâu đây những hình ảnh sau một chuyến du lịch với ít nhiều kỷ niệm vừa qua.

Bích Xuân

E-Mail: E-Mail: bichxuanparis@yahoo.com
Website: http://bichxuanparis.online.fr


- Hình 1: Bích Xuân
- Hình 2: Bích Xuân - NT Phạm Thiên Thư
- Hình 3: Bích Xuân - NV Văn Quang











Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003