Apr 18, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
CUỐI MỘT ÐƯỜNG TRĂNG
CAO MỴ NHÂN

Là một Phật tử theo kiểu hình thức thôi, thủa nhỏ ở Hải Phòng, bố mẹ cho chị Mỹ và Mỵ tôi đến chùa An Lạc. Chùa không lớn lắm, trên đường Lạch Tray, để được làm những cánh chim Oanh Vũ trong gia đình Phật Tử, mà thủa bấy giờ, đầu thập niên 50, thế kỷ trước, hai chị Ni và Tấn chăm sóc chúng tôi.

Chị Ni lai Pháp hay Pháp chính tông, tôi chẳng biết, nay là Sư Bà Chùa Dược Sư Sài Gòn, còn chị Tấn đã sớm phiêu diêu miền Cực Lạc.

Nay nói theo thi sĩ Tuệ Nga, từ một Phật tử trong bầy Oanh Vũ, tôi đã lớn lên và già đi, tóc điểm hoa, như thi sĩ Tuệ Nga viết, trong bài thơ Nhớ Xưa, mà nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu đã phổ nhạc từ năm 1991, đổi tựa thơ nhạc là Thoảng Cánh Mây Trôi.

Ðứng trước một sự kiện uyển chuyển, tôi không biết nên diễn tả thế nào, để quí vị và chúng tôi trong đại Gia Ðình Phật Tử, một phút giây nào đó thảnh thơi, thả tâm hồn trên Dòng Sông Trăng của hai nhà nghệ sĩ - thi sĩ Tuệ Nga và nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu rong chơi.

Nhị vị nghệ sĩ này đã từng là huynh trưởng trong gia đình Phật tử từ lâu đời, để cảm ngộ rằng hình như trong cõi nhân gian hữu hạn, những tâm hồn đồng điệu thường hạnh ngộ nơi cuối một đường trăng, hoặc tại đỉnh non mây trắng.

Bởi thế, khi phải đặt bút viết "Bài Minh Xác 2 về 2 bài nhạc - Từ Dòng Sông Trăng và Thoảng Cánh Mây Trôi do nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu phổ nhạc", thi sĩ Phật tử Diệu Minh Tuệ Nga đã rất thông cảm với nhạc sĩ Phật tử Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu vừa quá cố:

"Tôi nghĩ một bài thơ không được phổ nhạc có lẽ số người thưởng ngoạn cũng ít hơn. Ngược lại một bản nhạc mà lời không hòa hợp cũng không hẳn là một bản nhạc được ưa chuộng."

Như đã trình bầy, cái hình thức Phật tử của tôi - Cao Mỵ Nhân, pháp danh Như Hậu do Hòa Thượng trụ trì chùa Vu Lan Ðà Nẵng đặt cho, tôi đã dấn thân vô Chốn Bụi Hồng này, để chỉ với mục đích sao cho tâm hồn được trải rộng ra tới chân trời, đón nhận những tinh hoa mà loài người được lãnh hội từ vũ trụ, càn khôn

Thơ Tuệ Nga đã được nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu phổ nhạc như một nguồn giao cảm tuyệt vời, tác động tâm tư tình cảm tôi một cách êm đềm, mơ mộng.

Trước mặt tôi hiện có 5 bản nhạc viết tay của nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu xếp theo thứ tự thời gian, phổ thơ Tuệ Nga như sau:

1. Thoảng Cánh Mây Trôi (chữ lớn), dưới tựa trên, có hai chữ nhỏ hơn - Nhớ Xưa, xem như đổi tựa đề, ký tặng thi sĩ Tuệ Nga từ Sài Gòn 1991.

2. Sáng Mùa Xuân, ký tặng thi sĩ Tuệ Nga ngày 10-4-1991.

3. Dòng Sông trăng, ký tặng thi sĩ Tuệ Nga từ Sài Gòn Xuân Nhâm Thân 1992.

4. Thu Phong, ký tặng thi sĩ Tuệ Nga dịp Thanksgiving 1995.

5. Mùa Xuân Dâng Hương, ký tặng thi sĩ Tuệ Nga cuối đông Ất Hợi 12-1996

Như vậy, có thể còn nhiều nhạc bản phổ từ thơ Tuệ Nga khác nữa, tôi chỉ xin đan cử 5 bản nêu trên vì có bút tích của nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, để qúy vị tường lãm.

Vậy điều tôi muốn trình bầy là gì và tại sao lại phải trình bầy, khi chính nữ sĩ Tuệ Nga đã có bài MINH XÁC VỀ 2 BẢN NHẠC - TỪ DÒNG SÔNG TRĂNG VÀ THOẢNG CÁNH MÂY TRÔI do nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu phổ nhạc rồi.

Xin thưa, số là nữ sĩ Tuệ Nga và tôi mang cùng một mối duyên Thơ, quen biết nhau khá lâu, tưởng như chi lan tỉ muội nơi Hội Thơ Quỳnh Dao, khiến sinh hoạt thi ca của mỗi thành viên trong thi hội, thường đều chia sẻ với nhau, từ... cánh lá vàng... từ làn khói trắng... v.v. và v.v...

Mới đây, đầu thu năm Ất Dậu - 6/2005, thi sĩ Tuệ Nga đã ủy thác cho Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn xuất bản tập tơ Từ Dòng Sông Trăng, và tập kỷ yếu Vĩnh Nghiêm 2005, trong đó có in bài thơ của nữ sĩ Tuệ Nga, đã được nhạc sĩ Ngô MạnhThu phổ nhạc, mà không đề tên thi sĩ tác giả, chỉ đề duy nhất tên Ngô Mạnh Thu phổ nhạc, xem như cả nhạc và lời của nhạc sĩ vậy.

Dĩ nhiên tôi không phải là nữ sĩ Tuệ Nga để có thể trình bầy nhiều chi tiết hơn chẳng những về Dòng Sông Trăng mà còn vài đề mục khác đã được lược qua trong Bài Minh Xác của nữ sĩ Tuệ Nga.

Trở lại danh xưng Dòng Sông Trăng, có thể quý vị mới ngó qua tựa đề, sẽ nghĩ - dòng sông trăng, động hoa vàng, suối hoa đào, nguồn nắng mới v.v,,, có là gì mà phải minh xác chứ.

Hay:

- Tất cả đều từ Thượng Ðế ban cho, tất cả đều ở trong cõi ta bà này hay tất cả là của chung thiên hạ tại sao chỉ của nữ sĩ Tuệ Nga hay của nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu.

Vâng, đúng thế, cái vỏ ngoài thì thế thật, song cái ruột - cốt lõi của ngữ ngôn thơ nhạc, nôm na dễ hiểu hơn là thơ Tuệ Nga, nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu phổ nhạc, nguyên văn từng chữ, từng dòng. Nếu đọc lời của bản nhạc thì y nguyên những vần điệu của bài thơ chính bản mà sao không đề tên tác giả của lời nhạc ấy.

Chẳng lẽ, nữ sĩ Tuệ Nga - mẹ của những bài thơ được phổ nhạc, nhìn thấy con mà không được nhận hay những đúa con thấy mẹ ruột của mình lại giả lơ. Nữ sĩ đã lặng lẽ theo dõi bóng dáng từng đứa con "Thơ" của mình, không muốn để chúng đi lạc nên đã viết bài Minh Xác về hai bài nhạc - Từ Dòng Sông Trăng và Thoảng Cánh Mây Trôi do nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu phổ nhạc.

Tôi là em Thơ của chị, nhìn người sầu khổ, thấm lời tiền nhân Kim Thánh Thán (ở tận bên Tầu thủa xa xưa), nói ra câu "bất bình tắc minh" và thử cất lên một tiếng hót giao hòa, mong sao tiếng hót của mình đồng vọng giữa trời thu để nguồn thơ và dòng nhạc hài hòa trôi nổi trên Dòng Sông Trăng thênh thang vi diệu và đầy ắp ý tình hỉ xả. vô ưu nhưng cần minh bạch rõ ràng giữa thi tứ và nhạc điệu.

Hawthorne, ngày 17 tháng 9 năm 2005
CAO MỴ NHÂN


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003