Dec 04, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Điểm sách
Tình Người Trong NGỰA HỒNG TRÊN ÐỒI CỎ Của VI KHUÊ
Hình ảnh
#1
Bấm vào hình
để phóng to
HỒ TRƯỜNG AN

NGỰA HỒNG TRÊN ÐỒI CỎ là tuyển tập truyện ngắn của VI KHUÊ, đã được giới thiệu như là một "tuyển tập 10 truyện ngắn nhiều sắc thái khác nhau: tình cảm tư tưởng, tâm lý xã hội, thời thế kinh dị... đưa độc giả vào thế giới đặc biệt Vi Khuê, ngòi bút nữ nạn nhân chiến tranh, chứng nhân thời đại, với một văn phong vô cùng độc đáo..."

Tuyển tập gồm những truyện, phần lớn đã được đăng trên các tạp chí văn nghệ đứng đắn như Văn, Làng Văn, Văn Học; nay được tác giả thực hiện việc in thành sách, lấy tựa từ một truyện mang tên Ngựa Hồng Trên Ðồi Cỏ. Tuy phần lớn đã được đăng, nhưng tất cả các truyện đều đã được công phu nhuận sắc trước khi in, nên người đọc cảm thấy như hoàn toàn mới mẻ.

Trước khi đi sâu vào văn phong và bút pháp, chúng tôi xin điểm qua 4 truyện ít được biết đến nhất hoặc chưa đăng.

CHUYỆN TÌNH HUẾ TÁM MƯƠI HAI, viết từ năm 1982 và là truyện ngắn đầu tay của Vi Khuê, đăng trên báo chí hải ngoại là một chuyện tình mô tả nhiều chuyện tình trong đó: Tình yêu của một ông bác sĩ trẻ, độc thân với vợ bạn. được chính ông ta tỏ bày một cách liều lĩnh táo bạo gây dư luận sôi nổi qua một bài thơ ngâm, khiến cho Nguyên,một thiếu phụ ngoài bốn mươi nhân đó hồi tưởng lại mối tình của Trấn 20 năm trước ở Huế đối với mình. Và cuối cùng, chuyện tình lứa đôi chuyển qua tình yêu quê hương đất nước trong đó nỗi ray rứt đớn đau trở thành khủng hoảng tâm trí một nhân vật trí thức Việt Nam quá ưu tư về thời cuộc nước nhà. Truyện có màu sắc đặc biệt Huế, khung cảnh Huế, và những nhân vật nói giọng Huế.

"Chuyện Tình Huế 82" hẳn là một chuyện tình, được kết luận bằng câu "Ðôi mắt của người say, đôi mắt của người tình chỉ là đôi mắt của người điên" và "Không làm gì có một chuyện tình Huế 82, chỉ có chuyện một người điên vì thời cuộc". Tuy được kết luận như vậy, trước tiên CTH82 vẫn là một chuyện tình thơ mộng và trong sáng.

Truyện làm nao nao tâm hồn những ai đã qua cái tuổi nồng nàn, đọc nó mà nhớ lại một người yêu đã đi qua trong cuộc đời mình: Trấn không tự mình tỏ tình với Nguyên bằng lời nói mà bằng hành động, như đã nói lời vĩnh biệt nàng vào một ngày cuối tháng 4 năm1975 lịch sử, qua một người thứ ba: "Chỉ mong khi chết được có người yêu đi sau đám ma!" (trang 13). "Người yêu", hai chữ vẫn đáng yêu lắm chứ! Có lẽ, tôi nghĩ điều tác giả muốn nói, được gói ghém trong câu này: "Có tình yêu chứ sao không? Nhưng quan niệm về tình yêu thay đổi, mỗi thời biểu lộ một cách khác. Thế thôi!"

NHỮNG DẤU CHÂN LẠC LOÀI CỦA MẸ: Ở truyện ngắn “nhỏ” nhất trong tập truyện này, ngôi thứ nhất – xưng tôi - tự biến mình thành cô gái 17 tuổi, với một cuộc tình trẻ con diễn ra nơi cái phòng roller skating của bọn mười-mấy tuổi (teen-ager) ở ngôi trường trung học nọ. “Người yêu” 22 tuổi tên Hồ Hoàn Kiếm, như quê quán của “chàng” vốn ở miền Bắc xa xôi. Kiếm được Thắm yêu vì chàng có cái bụng lép, của hiếm có nơi cái xứ mà mấy ông xồn xồn thường làm cô bé sợ những cái vòng số 2, tưởng chừng như mỗi ông “đều mang trước bụng một thùng nước lèo, ong óc, òng ọc...” Chàng có nhiều điểm đáng yêu nữa, đặc biệt là giọng nói thánh thót bổng trầm với những từ đặc biệt miền Bắc như “Ô hay, Bé hay hờn mát nhỉ”. Và “để thư thả, mẹ anh khó tính lắm” (trang 40).
Nhưng cái đáng yêu nhất nơi chàng đối với Thắm, là tình yêu của chàng đối với mẹ, và nỗi buồn khổ do mẹ chàng vô tình gây nên mà chẳng biết.
Với truyện ngắn có tầm vóc khiêm nhường nhất trong toàn tập này, tác giả Vi Khuê cho thấy cái tài viết đối thoại của mình: dí dỏm thơ ngây, từ miệng cô bé 17 tuổi; đanh đá ngoan cố, từ miệng bà mẹ quê hiểu biết sai lạc về cái gọi là bảo tồn văn hóa, bảo tồn bản sắc dân tộc. Vấn đề được đặt ra ở đây là tình trạng lạc loài của bà mẹ đó – như những bà mẹ khác - giữa một môi trường sinh sống mới hoàn toàn xa lạ, khác hẳn với lối sống xưa kia của bà ở quê nhà. NDCLLCM là một truyện ngắn hết sức dễ thương.

YES SIR, YES SIR: Chuyện tình thứ 3 và là chuyện tình cuối cùng trong 10 truyện. Mai và Vinh, cũng như Trấn và Nguyễn, Thắm và Kiểm trong 2 truyện tình kia. Tình yêu chỉ là cái cớ tác giả mượn để nói lên những điều thực sự nghiêm trọng trong những bối cảnh của lịch sử: biến cố chính trị ngày 1 tháng 11 năm 1963 với những suy tư, thắc mắc, băn khoăn về thời cuộc của hai nhân vật chính, điển hình cho cả một thế hệ trẻ ưu tư.
“Yes sir, Yes sir” là tiếng kêu thảm não nói lên tình trạng “xuống dốc” bi đát của cả một lớp người trí thức Việt cúi đầu đi xin việc ở các sở Mỹ. Ðáng ghi nhận là những câu nói sau đây: Của Vinh: “Thế hệ chúng ta chỉ có một mối bận tâm hàng đầu là vấn đề này – tư tưởng phải thành hệ thống! Sống đã mệt lắm rồi, nhưng còn phải nghĩ sao cho đúng! Cả một thế hệ quay cuồng trong cơn lốc suy tư (trang 131). Của Mai: “Tất cả mọi người của dân tộc này đều phải tham dự cuộc đánh nhau để mà chết, chỉ vì đã suy nghĩ khác nhau về cách đem lại hạnh phúc cho nhau, không thù oán ba đời nghìn kiếp? Thật vô lý. Bộ không còn có cách nào giải quyết được vấn đề một cách ít tàn nhẫn, ít đau lòng hơn sao?”
(trang 130). Của bà mẹ: “Ðào sâu tư tưởng thì mệt lắm con ạ vì đầu óc con người rất có giới hạn nếu quan tâm đến chính trị, đời khổ lắm, má thương con, đâu muốn đời con khổ...” (trang 137).
Truyện kết thúc bằng một câu của Michael, người chồng Mỹ tốt bụng của Mai, vô tình đã nêu ra một đề tài suy tư của thời đại chúng ta:
- Anh biết..., người Việt Nam trọng người trí thức hơn người ... thợ sơn mà!
- Người Mỹ cũng thế thôi, Michael ạ! (trang 145)

CHUYỆN THỜI ÐẠI: Ðầy tình tiết, sôi nổi chung quanh hai nhân vật nữ thuộc giai cấp bình dân, từ những chứng kiến đổi thay dâu biển ở quê nhà qua đến cuộc-sống-tìm-đến ở Mỹ. Chị Hạnh, nguyên giáo viên tiểu học, vợ một người đã từng làm việc ở một sở “của người bạn đồng minh” tại Sài Gòn với đồng lương
hậu hĩ, và cô Mến, đứa con gái nhà nghèo đã phải bỏ ngang chương trình lớp 10 để đi bán mía xâu, về sau vượt biển đến lập nghiệp tại Hoa Kỳ, hưởng một đời sống đầy đủ như mơ ước. Một truyện ngắn quá nhiều màn nhiều cảnh với những mẩu đối thoại và tả cảnh linh động như thế này:

- Xe cộ gì mà khổ đến thế này? Từ hồi Pháp thuộc đến giờ, có khi nào khổ đến thế này không?
- Không.
- Thế thì từ bao giờ xe cộ và người khổ như thế này?
- Từ sau một chín bảy lăm đấy, ông ạ.

Một người đàn ông, một người đàn bà ngồi đối diện nhau, không quen biết nhau , tự động diễn mấy câu bi hài kịch ngắn, làm bật lên, giữa lòng xe hừng hực như cái hầm, vài tiếng cười khấc khấc. (trang 27)
Truyện ngắn của Vi Khuê, quan trọng nhất bao giờ cũng ở đoạn kết.

Trên đây là 4 truyện trong đó có 3 chuyện tình yêu đôi lứa, viết bằng những lời văn có vẻ đơn giản nhưng vẫn cho người đọc cái cảm tưởng: không dễ gì hiểu được cái ngụ ý sâu xa của tác giả qua mỗi chữ, mỗi dòng. Truyện thứ tư là truyện điển hình của thời đại tính. Ta thấy ở đây, cũng như trong thơ, Vi Khuê
thường cố gắng đạt đến “trình độ cao của nghệ thuật và tư tưởng”. Nhưng, những truyện được tán thưởng nhất trong tuyển tập là Mẹ Ngày Xưa,Chiều Siêu Thị, Chỗ ở Cho Linh Hồn, Tết của Linda và Ngựa Hồng Trên đồi Cỏ...
Tất cả đều là những bối cảnh lịch sử thường trải dài suốt mấy mươi năm chinh chiến trên quê hương xưa, và nối tiếp ở cuộc đời lưu vong xa nước bây giờ.

NGỰA HỒNG TRÊN ÐỒI CỎ dù là tập truyện đầu tay – nói đúng hơn, là tập truyện đầu tiên của một nhà thơ nữ được phát hành tại nước ngoài, nhưng nó đã giới thiệu bà thực sự là một nhà văn, viết văn đàng hoàng, chứ không phải là một nhà kể chuyện. Sở dĩ nói thế vì đã có nhiều trường hợp những cây bút
chỉ mới làm công việc kể chuyện chứ chưa hề viết văn được một lần nào. Nhà kể chuyện chỉ tường thuật những biến cố. Nhà văn giữ một trách nhiệm nặng nề hơn, đưa hành trình cây bút vào lãnh vực sâu kín, lắt léo của tâm lý phức tạp con người, và chủ yếu, phải nói lên một điều gì. Ở 10 truyện ngắn trong NHTÐC,
Vi Khuê đã vẽ được từng chân dung, từng tâm tình nhân vật với từng nếp cảm nghĩ có bề sâu, đã dựng được những bối cảnh sống động. Bởi đó, chỉ ở một tập truyện đầu tay, bà đã nắm thật vững kỹ thuật viết văn và đã chính thức trở nên một nhà văn có kích thước lớn trên văn đàn... phái nữ (nếu cần phải nói vậy).

Vi Khuê là ngòi bút phụ nữ không nhốt kín đường hướng sáng tác của mình vào tình yêu đôi lứa như đa số nhà văn nữ ở tác phẩm đầu tay. Qua tình người, bà mở rộng tầm nhìn về quê hương, đất nước, về cảnh ngộ lưu vong, về giấc mộng kinh hoàng mấy mươi năm chinh chiến, về những thắc mắc siêu hình.
Bất cứ ở cảnh huống nào trong truyện, tình người cũng được thắp sáng từ đầu đến cuối, và để lại ngân vang những dư âm ngọt ngào hay cay đắng, chứ không thoảng qua rồi bay đi. Vi Khuê sử dụng một lối văn giản dị mà có chuốt lọc. Bà không cần những ngữ pháp hào nhoáng và sực nức son phấn điểm trang.
Ở NHTÐC, chúng ta không thấy chữ nhiều mà nghĩa ít, không thấy chữ có mà nghĩa không, không thấy chữ lớn mà nghĩa hẹp, không thấy chữ kêu mà nghĩa câm.

Tóm lại, NGỰA HỒNG TRÊN ÐỒI CỎ của Vi Khuê là một công trình sáng tác đạt được 3 tiêu chuẩn: nhân tính, nhân đạo, và nhân bản, để trở nên đúng nghĩa là một tác phẩm văn chương.
NGỰA HỒNG TRÊN ÐỒI CỎ cũng là tác phẩm đầu tay chứng minh dõng dạc rằng: tác phẩm đầu tay được xuất bản có khi không phải là tác phẩm của người mới viết lách, mà trái lại đã viết lách lâu năm, nhuần nhuyễn và điêu luyện.

HỒ TRƯỜNG AN






Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003