Apr 23, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Biên khảo, Phê bình
BẢN THỂ LỒNG CHIẾU TRONG THƠ NGÔ TỊNH YÊN
LƯU NGUYỄN ÐẠT

XUÂN TÌNH

Tuổi gấp đôi yêu gấp đôi
Tiên trên trời cũng vậy thôi chứ gì!
nào ai thắc mắc làm chi
trần gian hai kẻ yêu vì triền miên
khúc nghê thường, giấc đào nguyên
xoay càn khôn, đảo nhân duyên tục trần
thân trong xác, xác trong thân
khi xa vực thẳm lúc gần non cao
chúng mình có lỗi gì đâu
những khi chẳng tiếc trao nhau xuân tình.

NGÔ TỊNH YÊN

Bài thơ “Xuân Tình” của Ngô Tịnh Yên, vỏn vẹn mười câu thơ lục bát, đã đủ sức gợi hình, gợi cảm trong cách lồng chiếu bản thể và sáng tác để tạo thành một thế giới “khuếch xung”1 triền miên. Hai chữ “Xuân Tình” được chọn đứng đầu tạo thành tên bài thơ. Tên-tựa (matrix)2 bài thơ có tác dụng khơi mào và hướng dẫn toàn diện bài thơ. 70 chữ trong bài thơ lục bát này sẽ hoán chuyển và trùng khởi lồng chiếu hai ý niệm căn bản “tình” và “xuân”.

Hai câu thơ mở đầu, thoạt tiên, có tính cách một suy luận giản dị, hiển nhiên, như một phương thức khả kiến, một câu đối xuân mà ai cũng nhận ra được trong truyền thống dân gian, mộc mạc:
Tuổi gấp đôi = yêu gấp đôi
Tiên trên trời = cũng vậy thôi ...

Phải chăng nhận định này là một thứ xác định lập trường (affirmation) như xác nhận một chuyện đã rồi, chắc chắn như đinh đóng cột? Ai ngờ, tại cuối câu thứ 2:

Tuổi gấp đôi yêu gấp đôi
Tiên trên trời cũng vậy thôi chứ gì!

hai chữ “chứ gì!” khi bỗng dưng chao đảo qua một cấu trúc mở, với giọng điệu cất cao (do chấm than!), nửa quyết liệt, nửa nghi vấn, đã đổi xác định trên thành hội kiến (consultation), mặc nhiên tự kiểm điểm và xét lại như một cuộc tranh luận giả tưởng. Thật ra thì trước đó, sự trùng khởi của các từ dồn dập tới bốn lần (đôi, đôi, trời, thôi), với những âm ghép “ôi” và “ời”, cũng đã phần nào bộc lộ chất độ nóng hổi của vấn đề chưa thể giải quyết xong. Thi ngữ bộc lộ như một thách đố, một ảo ảnh, tưởng như thế, mà không phải thế. Đó cũng là sự cách biệt và trì hoãn (différence & différance)3 của ngôn ngữ, sự tách-nối của biểu tác (signifiant) và đối tác (signifié) kết thành dấu hiệu (sign) hay ký hiệu trong hiện tượng tạo tác, thông tri, và tiếp nhận ý nghĩa. Dạng chữ “quốc ngữ” là ký hiệu ngôn ngữ được chính thức dùng tại Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 để phiên âm4 tiếng Việt đã sẵn có trước, theo hệ thống La-tinh5 thay thế chữ Nôm, dùng trước đó đẻ dẫn nghĩa và phiên âm tiếng Việt, theo hệ thống Hán tự.6 Hai độc âm “Xuân Tình” viết theo mặt chữ La-tinh Bồ Đào Nha được dùng để biểu thị và biểu tác hai ý niệm “xuân” và “tình tứ”, trong liên hệ đối chiếu nhân tình thế thái và ngoại cảnh.

Tình tứ là cảm giác của người, phần nào của sinh vật. Yêu thương, xót xa, tiếc nhớ, đam mê v.v. là những từ ngữ ghi nhận những tình cảm của người vớí người, với ngoại cảnh, ngoại vật. Sinh vật (chó, mèo, chim, chuột), ngoài những thú tính bản năng (instincts), như ăn uống để sinh tồn, giao cấu để sinh sản, cắn giết để tự vệ, cũng có những cảm giác thân thương, quý mến tương tự như những cảm giác tình tứ sâu đậm của người. Con chó thường được gọi la “bạn-người”, bạn của người, đôi khi còn là thứ bạn tốt, đa cảm, tình tứ, trung hậu.7 Ngoại cảnh có “cảm giác” không? Chắc là phải có, khi ngôn ngữ chúng ta đã từng ghi nhận “cây xấu hổ”, “cỏ héo hon”, “nắng vui”, “mưa buồn đất tủi”, “đất hiền chim đậu”, “sóng gió dữ tợn” v.v. Nếu đó là nhân cách hoá, thì con người cũng có khi bị “sinh-vật-hoá”, như trong những từ: “Chim chuột, mèo mỡ, bay bướn, ong bướm,8 lươn lẹo, lươn khươn, ti hí mắt lươn (gian trá, đĩ thoã), chó má (đểu cáng), hỗn như gấu, lưỡi rắn (độc ác), chậm như rùa v.v.”. Đôi khi sắc thái cảnh vật còn được dùng để mô tả, đo lường, hay tiêu biểu nhân cách, bản chất và tư duy con người. Phương thảo, cỏ thơm tiêu biểu cho giá trị và đức độ của kẻ sĩ. Chi lan là hai thứ cỏ quý, kết hợp hương sắc để tiêu biểu cho tình bạn cao quý, thuận hoà. Những câu ca dao như “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại, nên hòn núi cao”, hay các thành ngữ như “kéo dây động rừng”, “vách có tai”, “một cây tổ”, “cây cổ thụ”, “trồng cây si” nói lên vị trí, thế đứng, cách cư sử và những liên hệ mật thiết của con người với nhau. Vậy “Xuân Tình” là gì? Theo cấu trúc ngữ vựng Việt, “Xuân Tình” đặt căn bản trên mùa xuân của tình yêu, cái thời điểm khởi đầu của cuộc sống, như sự khai mở của bốn mùa trong năm: xuân, hạ, thu, đông. Ký hiệu của thời tiết, mùa màng cùng là ký hiệu của năng lực sinh tồn, biến thể của mọi sinh vật, của thiên nhiên. Mùa xuân tiêu biểu cho tuổi trẻ, sung lực, tươi thắm, đầy tràn nhựa sống. Là ký hiệu mầm móng của tình cảm và hy vọng, của biểu hiện giao phối cấu tạo, của tuổi dậy thì, bắt đầu có khả năng sinh dục. Vậy “Xuân Tình” là mùa khai mở tình yêu, là khí lực tràn ngập tình cảm và ham muốn của tác nhân trong mùa dục ái, ân giao.

Bài thơ khởi xuất từ một thực thể: “tuổi gấp đôi”, phải chăng muốn nói tới thân phận của của người tình như một hiện tượng nhị trùng, qua dấu hiệu kép hai mặt, mặt trái và mặt phải, nhược điểm và ưu điểm của tuổi tác. Ký hiệu tuổi tác, bề ngoài, biểu hiện như một trở ngại của thể xác nếu già nua, nhưng bề trong, về mặt tinh thần, lại tiếp ứng với kinh nghiệm, hiểu biết, thông cảm. Tất cả những đặc tính lĩnh hội đó đưa tới một tình trạng khuếch xung trong tác động yêu đương: “yêu gấp đôi”, như rượu cũ cất lâu tăng thêm hương vị, như củi già đốn lâu cháy hơn củi tươi. Hiện tượng khuếch xung “tuổi gấp đôi” không những là một so sánh tương đối, gấp đôi một người trung niên, gấp đôimột đơn vị thời gian bình thường, mà còn ẩn dụ một xác định tuyệt đối, khi người “tuổi gấp đôi” nhờ khả năng “yêu gấp đôi” đã hội nhập vào cảnh giới siêu nhân, thần linh của các vị “tiên trên trời”. Trên con đường khuếch xung, thơ đã ngả về huyền thoại để có thể vượt qua mọi hạn hẹp của cảnh hà tì, bất toại, và nhờ đó kiếm lại chất lửa tình ấm áp cho nhân loại suy nhược, tàn tạ.

Nhờ vào tình yêu triền miên, tác nhân đả “xoay/đảo” thân phận mình để hoán chuyển qua một đối thể vĩ đại, không so sánh kịp, vì tuyệt đối vô thường. Những dấu hiệu của “khúc nghê thường”, tuy khúc mắc, hoang đường đã khoác vào người tình cái dáng dấp thần thoại, siêu đẳng của tâm linh, nhờ đó con người hội nhập lại với “càn khôn”, với trời đất, vũ trụ nguyên thủy, trong cái thế tam tài căn bản của tư tưởng Việt.

Cụm điệp ngữ “thân trong xác” và “xác trong thân” cũng tương tự khuếch xung qua hai thế hoán chuyển và trùng khởi. Thân-xác là liên hệ mật thiết giửa nội tạng và thể tích, giữa bề trong và mặt ngoài của cơ thể, bất khả tách mảnh, bất khả phân hoá. Nếu cắt bỏ, chia tách bất cứ bộ phận nào trong cơ thể sẽ gây ra tình trạng đau đớn, suy yếu, tiêu hủy, bệnh tật, chết chóc. Thân và xác liên tục quấn quýt bên nhau, nối cuộn nhau trong thế sinh động âm dương, tiếp ứng triền miên: lúc “thân trong xác” lúc “xác trong thân”, vừa hoán chuyển, vừa trùng khởi, gấp đôi. Kể cả khi hai đơn vị thể-xác lúc đầu riêng rẽ, nhưng khi tiếp ứng nhau trong thế cuốn tròn giao hợp song phương, tương ứng, không biết đâu là đầu (cho, trao mở), đâu là đuôi (tiếp nhận và hưởng thụ), thì thể và xác chỉ còn là một đơn vị kép, như tổ kép “tiên-rồng”, trong cuộc giao hợp và hoán chuyển đối ứng tạo tác sinh lực. Đó cũng là cái ý nghĩ đơn giản và thâm sâu của chắp nối giữa bản ngã và tha nhân, giữa tác nhân và đối tượng phù hợp, tăng biến thành cái ta đa diện, cái chúng-ta hội nhập thành một đơn vị cộng sinh, cộng hưởng (unité de synergie), tuy đa nguyên, đa dạng, nhưng hoà hợp, xuyên chiếu: ta với mình tuy hai mà một, mình với ta tuy một mà hai.

Về bình diện trừu tượng, nội tâm, với cụm từ kép “thân trong xác”, tác nhân còn có khuynh hướng dấn thân từ cõi tình thể chất (amour physique), từ nhục dục (amour charnel, instinct sexuel) hay dục ái (amour érotique, libido, carnal knowledge ) sang thân thiết nội tâm, tình ý trong sạch (attachement spirituel, amour platonique, pur), vì con người vừa là thể xác, vừa là trí tuệ, tâm linh. Tình yêu khi hài hoà với thể xác và tâm tình mới thực sự khuếch xung trùng khởi tới giao hưởng toàn diện, trong thế lồng chiếu tương ứng âm dương đối hợp. Tương tự, dấu hiệu của thi ảnh luôn luôn dịch biến giữa hữu thể và trừu tượng, giữa tích cực và tiêu cực, giữa hiện diện và khiếm diện, thất tung, giữa hiện hữu và vô thường.

Đồng thời, cùm từ “xác trong thân” có thể nói tới những hà tì của trạng thái xác xơ, bất toại ẩn dụ ngay trong cơ thể, trong thân phận làm người. Thi ảnh của “xác(xơ) trong thân” nhắc nhở con người, kề cả siêu nhân, vua chuá, tình nhân, cái hữu hạn, suy tàn, đổ vỡ nằm ngay trong lòng cuộc đời, ngay trong lòng cơ thể, trong lòng cuộc tình, theo thế dịch biến âm dương chao đảo.

Dục ái và tình tứ trong sạch được ám chỉ, cân nhắc đối diện nhau trong hai câu thơ áp chót:

khi xa vực thẳm lúc gần non cao
chúng mình có lỗi gì đâu

Ký hiệu của “vực thẳm” và tội “lỗi” lồng nối nhau về cả hai mặt tạo hình và tạo cảm để đối xứng với vị trí hướng thượng cao đẹp, “gần non cao” của mối tình tinh khiết, trong sáng. Thi nhân đã chú trọng tới thế so sánh chống đối, trái ngược của hai tính từ “xa” ngược lại với “gần”. Nhưng cách lý luận khi áp đặt hai tính từ đối ứng này với các thánh tố liên hệ: “xa vực thẳm” và “gần non cao” thì cách so sánh đối chiếu đã mất phần nào hiệu lực chống đối, trái ngược của nó. Ký hiệu của vị trí “xa vực thẳm” cho thấy tác nhân đương ở cái thế xa-cách vực thẳm, ở trên cao so với vực thẳm. Vậy vô hình chung, “xa vực thẳm” đã xếp ngang hay cùng theo chiều hướng thượng của thế “gần non cao”. Nếu tác giả muốn nhấn mạnh vào thể so sánh chống đối, thì tác giả cần chuyển tác từ thế tính từ “xa” sang thế động từ “sa” theo nghĩa “sa ngã”, rơi xuống vực thẳm. Chỉ có hai thế rơi xuống thấp (sa vực thẳm) và lên “gần non cao” mới thực sự chống đối lai nhau trong thế so sanh đối ứng, nhất là qua hai thời điểm: “Khi” và “lúc”, có khuynh hướng tách rời tác động thành hai giai đoạn và hai trạng thái so sánh trái ngược nhau, như trong suy luận: khi thế này, lúc thế nọ.

Nhưng rất có thể, tác giả chỉ muốn dùng hai câu thơ đó để phủ nhận mọi tình trạng “sa ngã”, khước từ mọi tội lỗi để nhấn mạnh vào mối tình trong sạch, hướng thương, lãng mạn. Theo chiều hướng đó, cách lý luận của tác giả không có tính cách so sánh đối chiếu, mà lại là một hình thức hoán dụ bổ xung lẫn nhau, trong thế liên kết, liên hoàn: một mối tình không tội lỗi trong sạch, cao thương.

Chỉ tiếc, và cũng mừng, là thi ngữ hàm chứa nhiều nghi vấn, đưa tới nhiều cách giải thích thơ, dẫn dụ tới nhiều thế hưởng thơ. Những bất ngờ đó sẽ mở đầu cho trào lực sáng tạo, cho những mùa “xuân tình” mới mẻ khác, miệt mài trùng phùng ngay trong hồn thơ hứng khởi mỗi mùa, mỗi kỳ, mỗi khi, mỗi lúc. Từ “xuân tình” ta đã bước vào xuân thơ.

LƯU NGUYỄN ĐẠT
Fairfax, VA 14 April, 2005

1 Xem Lưu Nguyễn Đạt, “Thơ Bùi Giáng...”, Văn Luận, p. 63-71, Cỏ Thơm, 2000.
2 Xem Michael Riffaterre, Semiotics of Poetry, Indiana University Press, Bloomington, 1978; Essais de Stylistique Structurale, Flammarion, Paris, 1971.
3 Xem Jacques Derrida, Of Grammatology, Johns Hopkins University Press, Baltimore, 1976; “La Mythologie Blanche”, Marges de la philosophie, Minuit, Paris, 1972; Positions, Minuit, Paris, 1972.
4 transcrire phonétiquement
5 écriture romane, romanized sript
6 chinese characters/ideogram, ideograph; signes représentatifs d'idée.
7 Chó quý chủ, tỏ tình nghĩa như một con người chân chính, thủy chung: khi xa cách, tìm về với chủ; gặp lại chủï vui mừng, quấn quýt; có câu chuyện được kiểm chứng, khi chủ chết, chó nằm bên mả chủ mà chết theo. “Cẩu-mã” như vạy cũng chả khác gì con người tử tế, nhân từ, trung hậu.
8 Tất cả những từ này đều ám chỉ một tác động liên can tới hoán dụ tình tứ, làm tình, giao hợp...Riêng các cụm từ “bay bướm”, “ong bướm” chỉ để ý tới cái bề ngoài trai-gái, lẳng lơ. Thật ra, ong và bướm rất cần thiết trong việc đôn đốc, chuyển vận phấn hoa (pollinisation), nhờ đó cây cối sinh trái nở lộc (mang trái) một cách thiên nhiên, tròn trĩnh. Tác động “bay bướm”, “ong bướm” của người làm mang tiếng, gây oan cho ong và bướm, những sinh vật đàng hoàng, hữu ích trong việc thành quả trên.




Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003