Dec 04, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Điểm sách
LƯU NGUYỄN ÐẠT: PHẢI LÒNG CHỮ NGHĨA
Hình ảnh
#1
Bấm vào hình
để phóng to
Trần Hồng Châu NGUYỄN KHẮC HOẠCH


Lưu Nguyễn Ðạt – Lưu Nguyễn, từ Thiên thai trở về, mang theo lòng đam mê Tư tưởng, đạo, cốt lõi, chân chất, và Ngôn từ, cỗ xe chở đạo. Yêu đắm đuối ở một đỉnh Hoa sơn luyện kiếm, vạn sự khởi ư... Văn khoa..., tác giả đã cho thấy hơn một niềm băn khoăn: vừa khổ hạnh tu luyện, vừa thả lỏng trôi theo những lá liễu và nét mi trần gian.

Trong Văn Luận cũng vậy. Vừa trí thức, trừu tượng, cố đi đến cùng của nguyên lý, tổng hợp, đại thể; vừa phân tích tác văn, tỉ mỉ, cụ thể từng chi tiết hiện thực. Trong chừng hạn nào có thể thấy ở đây một vài dấu ấn của trào lưu Tân phê bình. Trào lưu chú trọng đặc biệt đến cấu trúc tác phẩm, đến cõi rễ ý thức hệ – tức là triết học (theo nghĩa rộng) – đã chi phối tác phẩm văn học và từ giã, không nuối tiếc, những dữ kiện lịch sử ngoại vi từng được trường phái chính thống Lanson coi là khuôn vàng thước ngọc.

Lưu Nguyễn Ðạt đã lớn lên khi tư trào Hiện sinh (Existentialisme) sắp về chiều và được nối tiếp bởi những dòng lý thuyết Structuralisme, Néo- Structuralisme, Semiotique, Déconstruction, nên những tên tuổi như De Saussure, Lévi Strauss, Roland Barthes, Riffaterre, Derrida ... thường xuất hiện trong Văn Luận, tiêu biểu cho một thái độ phê bình “động”, khai phóng (open) mà tác giả muốn được thấy phát triển tự do trên một quê hương, hy vọng sẽ phải khai phóng và nhân bản hơn.

Ý hướng đó thấy rõ khi tác giả bàn về những vấn đề văn nghệ tổng quát như nhập cuộc, suy tư và sáng tạo, dạo nhạc, dịch thơ, bài thơ ra đời ... Ánh mắt lưỡng cực phân và hợp sự vật cũng được chiếu rọi trên những sắc thái đậm nét nhất của từng tác giả. Lưu Nguyễn Ðạt dẫn ta qua những sân cung rộng hải hồ: Nhịp luyến láy phá thể của thơ Bùi Giáng là một ví dụ. Trận đồ bát quái, ta mình mình ta, say tỉnh tỉnh say, hư thực thực hư, vui buồn buồn vui trong toàn cõi thơ kẻ cuồng sĩ với những cái đang tự hủy để tái tạo, luôn luôn bất định, đó là cái devenir nghiêng ngửa, chênh vênh, bất trắc, không bảng chỉ đường. Tiếp theo là Chân Trời Cũ của người Minh hương Hồ Dzếnh, xê dịch giữa hai quê hương tinh thần vừa gần vừa xa, vừa lạ vừa quen. Những lớp “phông” hậu cảnh di động, lồng vào nhau, như màu sắc trùng điệp nối tiếp phản chiếu trong dãy hành lang vạn hoa, gương lồng bóng, của điện Versailles. Dãy hành lang, càng sâu càng sương khói phủ, xa mờ tít tắp trong một viễn cảnh vô tận. Như thủ thuật lồng cảnh của hoạ sĩ xưa. Như tác động mise en abyme của Gide, trong Les Faux Monnayeurs, lúc bàn về kỹ thuật viết tiểu thuyết ngay trong lòng tiểu thuyết. Rồi đến cái vòng tròn nhân thế, cái nghiệp chướng luân hồi, chấm dứt mà không chấm dứt, của du tử họ Lê. Tất cả cũng đều trong cái thế bấp bênh, không định hình, không chu toàn, luôn luôn động, trống rỗng, và buồn nản như Hư vô.

Lưu Nguyễn Ðạt đã đưa những đề nghị tìm hiểu, những giải pháp khả hữu, nhưng chỉ coi chúng như một vài trong muôn vàn cách tìm hiểu tác phẩm, đồng thời nhấn mạnh vị trí có lợi thế và khả tín của nhà phê bình được võ trang hùng hậu hơn kẻ ngoại đạo. Một vài trong muôn vàn ... Nói như Derrida: tác văn, cũng như những mô thức tư duy, không hoá thạch, không đông cứng – figé. Nó luôn luôn tự hủy và tái sinh theo giai đoạn, hoàn cảnh, và người tiếp nhận. Nói như Sartre: khuôn mặt chúng ta không hề được định hình chỉ một lần rồi thôi. Nói như Valéry, nếu chúng ta ngược đến tận cội nguồn Tân phê bình: chỉ có tác văn, tác văn sừng sững trước mặt ta, và độc giả, cũng là đồng tác giả, vì đã cùng để dấu vết trên tác phẩm.

Ðã từ lâu tôi không gặp lại Lưu Nguyễn Ðạt. Từ khi tiễn chân lớp kiếm khách trẻ tuổi hạ sơn, trải qua mấy mùa binh lửa ... Tôi thấy anh tóc hoa râm như những nhân vật nam chính trong vũ trụ Francoise Sagan, nhưng tác phong vững vàng, chín chắn. Vẫn vẻ an nhiên tự tại và tài hoa khi bầy binh bố trận tư tưởng và chữ nghĩa. Chợt liên tưởng đến những người say mê đi vào, nhưng cũng biết tìm lối đi ra khỏi thiên kinh vạn quyển. Ði vào để hấp thụ thêm chân khí, bồi bổ nội lực, nhưng nhất định không để từ chương và thành kiến đè bẹp. Như các thi sĩ đại khoa đời Ðường: Vương Duy, Lưu Vũ Tích, Bạch Lạc Thiên ...; như các nhà văn Tây phương hiện đại: Sartre, G. Santayana, M. Yourcenar, St. John Perse, nhiều người xuất thân từ các khuôn viên đại học nổi danh.

Sự đào tạo trí thức, trong khuôn khổ kỷ luật, cao tay ấn và tỉnh táo, chỉ có thể củng cố thêm bản lĩnh, cho tâm hồn thêm bề dày, một tiềm lực thâm hậu mà người không có nó luôn luôn cảm thấy hụt hẫng, bất lực, cạn kiệt. Lưu Nguyễn Ðạt đã có những mùa gặt hái, tích cốc phong phú lúc còn trẻ, và thường xuyên trau dồi, nên anh bước vào thế giới tư tưởng một cách hồn nhiên thoải mái. Mổ xẻ, lật lên lật xuống, tách rời, kết hợp, nhất nhất đều gọn ghẽ, khéo léo, với cái tour de main của người yêu tư tưởng. Vay mượn và đem đến cho tư tưởng vừa cái lực (force), vừa cái duyên dáng (grâce) trong một tổng thể hài hoà: Văn hoá chân chính và văn luận nhập cuộc. Những dòng mát và các trang về Bùi Giáng, Hồ Dzếnh ...

Anh có cái tinh tế đưa tới mẫn cảm và cái thẩm quan đứng đắn, cần thiết cho nhà phê bình, như một giác quan thứ sáu. Lựa chọn, nhìn thấy nét đặc thù của tác phẩm, xoáy vào đó, gây men để sản sinh thêm những nhận xét độc đáo. Vừa lý luận, vừa tình cảm và ấn tượng, màu sắc, để thâu tóm đầy đủ, nếu không phải là trọn vẹn, hiện tượng cùng bản chất của đối tượng.
Nội dung và hình thức chỉ là một, luôn luôn tương tác trong thế “tuy hai mà một”. Gần như một định luật: nội lực thâm hậu thì đương nhiên được chuyên chở và biểu thị bằng một tấm áo đẹp, tương xứng, có tính cách thuyết phục nhất. Lưu Nguyễn Ðạt có duyên may được trui rèn trong các đại học Việt Nam, Pháp và Mỹ1 sau cuộc cách mạng De Saussure và Jakobson nên anh đi vào bát quái đồ ngữ ngôn như về thăm lại mái nhà xưa, thân quen.

Ðặc biệt ở đây chất liệu lại là tiếng Việt, một thực thể phi thường với vô vàn biến ảo, vô vàn âm sắc. Một thực thể gắn bó với cuộc sống tình cảm và trí thức của mỗi con người chúng ta. Tương quan thắm thiết giữa cá nhân và tiếng mẹ đẻ. Tiếng mẹ ru con từ thuở còn thơ thâm nhập vào tiềm thức, dần dần tạo nên hồn dân tộc, cái Folksgeist linh hiển mà Herder, đã cùng đồng bào, vũ trang để thống nhất và vực quốc gia Ðức đứng lên hùng mạnh trong lịch sử. Thibaudet nâng niu, vuốt ve từng chữ và lời trong vườn văn học Pháp như trân quý trái chín thơm ngọt đầu mùa. Người viết mấy dòng này từng “ăn nằm” với tiếng Việt, nay lại vui thấy Lưu Nguyễn Ðạt “phải lòng” và “làm tình” với chữ nghĩa2 Một ví dụ: anh mổ xẻ từng câu, từng chữ, trong thơ Bùi Giang, theo cuồng sĩ “chơi chắt truyền” với ngôn từ, thử mọi kết hợp: đảo trang, nói lái, hoán dụ, móc nối, điệp trùng, tỷ giảo, khuếch xung, tương đồng hoá ... để đi tới những khám phá bất ngờ nhất, tạo dựng được nhiều từ mới, tự nhiên và xúc tích. Bởi vì có cái thần của tiếng Việt. Bởi vì có kiến trúc tinh thần, vừa uyên bác vừa nghệ sĩ, của nhà phê bình, người độc giả ưu huệ, người tái tạo tác phẩm.

Một hai điển hình nữa là sự nắm bắt được cái hồn thầm kín của tiếng Việt. Ði tìm gốc một từ ngữ bắt nguồn từ sự “lây nghĩa”, contamination étymologique: trú khách, khách trú đi đến chú khách trong văn Hồ Dzếnh. Nói đến sự tan vỡ, bấp bênh, ít nhiều Derrida, của thi ảnh và dòng cảm nghĩ Du Tử Lê: vòng luân hồi, suối chảy ngược, tấm gương soi... Và bình luận sâu sắc về cụm từ thần tình Ohm law của Vũ Lang. Ohm law - ôm lâu - ôm lo. Ðiện trở và những trướng ngại vật, những ngăn sông cách núi trong tình trường, đồng thời có thể hiểu, theo vang vọng của âm từ, là trạng thái phần nào phản điện: ôm lâu trong phức hợp tâm-sinh-lý, vừa trần gian vừa thiên đường; nhưng ôm lâu, lúc phóng thể, khả dĩ đưa tới ôm lo ám chỉ nỗi bất định, trống rỗng, của những giờ phút hậu hoan lạc. Như một chuỗi liên hoàn Ðêm Ngày, Mưa Nắng, Có Không ... theo luân lưu dịch biến của vạn vật. Theo, trong chừng hạn nào, tác văn, vũ trụ ảo ảnh, muôn hình vạn trạng, cởi ra rồi lại buộc vào như không, của trường phái Phá thể.

Lưu Nguyễn Ðạt đã tỏ ra tinh tế, mẫn cảm, giàu tưởng tượng và có thẩm quan tốt để thấy cái toàn thể, cũng như chi tiết, của từng tác phẩm nghiên cứu. Anh đã khổ công ma luyện. Một ngàn đường kiếm vũ luyện vung lên mới hình thành được một đường kiếm đẹp. Anh đã cùng các tác giả vẽ nên khuôn mặt tác phẩm. Anh không phải là một nhà phê bình chua-chát, đố kỵ, một Sainte Beuve trở nên Ngự sử văn đàn sau khi đã thất bại trong sáng tác. Anh cởi mở, khai phóng, niềm cảm thông lớn sẵn sàng đón nhận vẻ đẹp đến từ mọi hướng trời. Ðó là một thái độ tích cực đáng được khuyên một điểm son.

TRẦN HỒNG CHÂU NGUYỄN KHẮC HOẠCH


1 Lưu Nguyễn Ðạt đậu Cử Nhân Pháp Văn Giáo Khoa (Licence d’Enseignement de Francais 1959-1962, Ðại học Văn Khoa Saigon), theo chương trình Cao học / D.E.S, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư J.Erhard và Giáo sư kiêm Khoa trưởng Nguyễn Khắc Hoạch; đậu Cử Nhân Luật (Ðại học Luật Saigon); và sau 1975, đậu MA và Ph.D, French Literature, tại Michigan State University; Hậu Tiến sĩ Luật, LLM/Master of Jurisprudence, Howard Law School, USA.

2 Xem “Thơ Nguyễn Ðăng Tuấn: Dường Như Làm Tình Với Chữ”, Lưu Nguyễn Ðạt, Văn Luận, trang 119-124.


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003