Apr 26, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Biên khảo, Phê bình
"NHỮNG MẢNH TÌNH TRONG KHUÔN VIÊN ĐẠI HỌC" VÀ KỸ THUẬT THƠ VIỆT BẰNG
Hình ảnh
#1
Bấm vào hình
để phóng to
CAO MỴ NHÂN

1.

Nhà thơ Việt Bằng, sau thi phẩm ÁNH MẮT TÌNH NHÂN , 2001 tiếp tục viết thi phẩm thứ hai NHỮNG MẢNH TÌNH TRONG KHUÔN VIÊN ÐẠI HỌC đáng lẽ phát hành vào ngày 15/12/02 cùng với MỘT PHÍA TRỜI THƠ 5 của THI ÐÀN LẠC VIỆT mà anh cũng đóng góp công sức nhưng anh lại muốn phát hành ngày 15/01/2003 để thi phẩm này già dặn thêm một mùa Xuân.

Vốn là một giáo sư dạy Triết tại một số trường Trung Học Công lập miền Nam Việt Nam, anh đến Hoa Kỳ vào đầu thập niên 90. Ngay sau khi ổn định cuộc sống mới, anh mau chóng ghi danh vào Ðại Học Hoa Kỳ để trau dồi kiến thức để bắt kịp trào lưu hiện đại.

Và, cũng từ đó, nẩy sinh những Mảnh Tình Trong Khuôn Viên Ðại Học, anh viết những bài thơ ca tụng tình yêu mà ít nhiều cũng gửi gấm tâm sự mình trong đó.

2

Thơ không phải chỉ là ghép vần hay kể chuyện mà cần đến những kỹ thuật căn bản như kỹ thuật điệp ngữ, nhân cách hóa và ẩn dụ v.v... trong đó kỹ thuật ẩn dụ là khó nhất, tay mơ không dám dùng. Nhà thơ Việt Bằng là một trong những nhà thơ sử dụng tối đa những kỹ thuật này.

- Ðiệp ngữ:

· Xa rồi một nét cười duyên,
Xa rồi đôi nét nghiêng nghiêng chân mày
(Dù Có Lãng Quên)

· Nhìn Em chỉ một màu hồng,
Hồng lên má phấn,
Hồng trong tình người.
Áo em hồng bóng cuộc đời,
Sao trong ánh mắt,
Bờ môi thêm hồng
(Áo Em Hồng Bóng Cuộc Ðời)

- Nhân cách hóa:

· Nghe gió hát những lời em tâm sự
Vẫn còn lưu luyến
(Hình Tượng Maria)

· Con diều tham vọng,
vượt tầng mây.
...
Và cao ngạo,
nhìn lũ người bé nhỏ,
Dưới trần gian.
(Người Khách Lạ)

· Tôi về bến cũ,
Nghe sóng gọi thuyền nhân
(Tháng Sáu)

- Ẩn Dụ.

Anh sở trường về kỹ thuật ẩn dụ, chưa cần đi sâu vào nội dung của những bài thơ, mà chỉ đọc lướt những nhan đề của những bài thơ cũng rất nhiều ẩn dụ: Nơi Mặt Trời Ðến Ngủ, Giã Từ Huyền Thoại, Một Mùi Hương Phấn, Áo Em Hồng Bóng Cuộc Ðời, Như Huyền Thoại Ngàn Ðêm Lẻ, v.v...

· Mùa Xuân tràn vào khung cửa hẹp,
Em dục tôi,
lên đỉnh ngọn đồi.
(Giã Từ Huyền Thoại)

·Có những buổi,
tắm ao nhà rất vắng.
Anh đòi hôn,
đòi ôm ấp trong tay
Ngờ đâu dáng mỏng lại đầy đam mê.
(Tháng Chín)

3

Việt Bằng đã đi vào thiên nhiên hay thiên nhiên đã đi vào thơ qua kỹ thuật diễn tả của anh. Vì vậy thơ anh mang nhiều hình ảnh đẹp, trong đó có hoa lá, gió mây, trăng sao, sông biển...

- Hoa, lá:

Một buổi thu về lá hoa run rẩy
Ðêm hoang vu, lời vàng đá lênh đênh.
(Quỳnh Hoa)

- Gió, mây

Nơi hẹn mùa xưa,
Bên góc phố,
Em đã cùng anh,
Nghe gió hát thay lời
(Xuân Không Về Qua Tiếng Pháo)

Ngàn hoa phô sắc,
Như màu mây,
Giăng giăng trời Kinh Bắc.
(Mùa Xuân CHAPA)

- Trăng, sao:

Trăng tháng tám,
Xanh như màu ngọc thạch.
(Phải Chi Em Cũng Là Thơ)

Không gian này, sao quyến rũ
Với những chùm sao lấp lánh giải Ngân Hà.
(Người Lạ Mặt)

-Sông, biển:

Con sông đầy nước chưa đổi dòng,
Ðể làm nên ốc đảo.
(Giã Từ Huyền Thoại)

Những ngọn sóng trắng như rừng hoa biển,
Có phải em là loài hoa ấy hóa thân.
(Tháng Sáu)

4.

Thơ anh trong sáng, rõ ràng vì được xác định bởi nơi chốn, và thời gian. Nơi chốn có thể là, một góc phố, một phố vắng, một khu nhà ổ chuột, một vùng ngoại ô, Thiên đường, Ðịa ngục, hay gần hơn, những phần trên thân thể người yêu:

Em qua góc phố,
Nắng chiều áo bay.
(Bao Giờ Tôi Quên)

Nơi Bé ở,
Có khu nhà ổ chuột.
Vùng ngoại ô,
Ðường đi nhiều dốc quanh co,
Những cô gái thập thò trước cửa
(Như Huyền Thoại Ngàn Ðêm Lẻ)

Tôi biết hồn em còn ẩn hiện,
Mà hay Ðịa Ngục,
Có Thiên Ðường.
(Ðịa Ngục Có Thiên Ðường)

Anh vẫn khát thèm,
Những phần trên thể em.
(Tháng Mười Hai)

Anh rất quan tâm tới thời gian để xây dựng những tình tiết cho thơ. Thời gian có thể là một thời hạn ngắn ngủi bên cạnh người tình, có thể là đêm, ngày, năm, tháng hay lâu hơn Thế kỷ, Ngàn năm:

Và khi ấy,
Thời gian như cánh chim
Cùng chung nhịp đập trái tim
(Như Huyền Thoại Ngàn Ðêm Lẻ)

Dìu em, tôi đi vào đêm
Về khuya sương lạnh ngọt mềm bờ môi.
(Tình Khúc Ðêm Dông)

Ước gì vớt được trăng ngày ấy,
Thủa mới quen, em chưa khóc một mình.
(Quỳnh Hoa)

Tháng ba dâu biển nằm mơ
Tháng ba em khép mi chờ
(Tháng Ba)

Em đẹp như hình tượng Maria
Ðúc từ bao thế kỷ?
(Hình Tượng Maria)

Tiếng ca dao tình tự
Từ mấy ngàn năm,
Mà như thể rất gần.
(Tháng Giêng)

5

Xuất thân như một nhà thơ của các nội san, đặc san sinh viên, các trường Ðại Học dường như gần gũi với anh trong suốt cuộc đời, từ đầu thập niên 60 đến giữa thập niên 90.
Albert Einstein, người cha của “thuyết tương đối”, đã từng khuyên sinh viên “Khi đã là sinh viên, người ta sẽ là sinh viên suốt đời” Câu nói này rất đúng với trường hợp của nhà thơ Việt Bằng.

Có lẽ trường Ðại Học là môi trường lý tưởng nhất với anh để sáng tác. Vì vậy hình ảnh của Giảng Ðường Ðại Học, của Khuôn Viên Ðại Học rất đậm nét trong cả hai thi phẩm của anh Ánh Mắt Tình Nhân và Những Mảnh Tình Trong Khuôn Viên Ðại Học.

Tôi biết mùa Xuân
qua mầu áo ấy,
- Màu áo em bay trước giảng đường
(Xuân Không Về Qua Tiếng Pháo)

Từ ấy,
trong Khuôn Viên Ðại Học
Em về ngơ ngác lối chiêm bao
Tháng sáu chìm sâu cõi mộng nào?.
(Tháng Sáu)

Như Việt Bằng,Vũ Hoàng Chương cũng đã từng chờ đợi người yêu:

Mòn con mắt đợi công trường
Người ta về... các ngả đường xôn xao
Lòng ai nào thấy đâu nào
Mây càng thấp, gió càng cao
... Một mình.
(Bơ Vơ Vũ Hoàng Chương)

Vũ Hoàng Chương và Việt Bằng có điểm tương đồng người đẹp muốn tìm là nữ sinh hay nữ sinh viên, dường như Việt Bằng thuận lợi hơn vì anh có thể bắt gặp “đối tượng” bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào - trong lớp, trước giảng đường hay trong Khuôn Viên Ðại Học, trong khi Vũ Hoàng Chương chỉ có thể gặp “em” lúc tan trường. Nếu em trốn, vì sợ tai tiếng hay nhút nhát, nhà thơ sẽ bơ vơ ngay.

6

Ðiểm nổi bật nhất trong thơ Việt Bằng là Tình yêu Quê Hương và tình yêu (lứa đôi). Thực vậy, quê hương là hình ảnh quen thuộc trong thơ anh. và tình yêu quê hương của anh lặng lẽ, âm thầm khác với giọng điệu la lối, ồn ào của một số người khi viết hay nói về quê hương. Thái độ ấy khó thuyết phục những độc giả nặng lòng yêu quê hương.

Vẫn nghe dòng nước về nguồn,
Như dòng máu đỏ,
Ðang dồn về tim.
(Tháng Mười)

Một thế kỷ non sông nghiêng ngả,
Phật vẫn lặng yên trong tĩnh tọa.
Có nghe giông bão ở ngàn nơi?
Có nhìn vận nước từng ngày nổi trôi?
(Vị Phật ở Chùa Trấn Quốc)

Có thể nói mà không sợ lầm lẫn “Tất cả các thi sĩ đều ca ngợi tình yêu”. Nếu không có tình yêu, thơ sẽ tắt thở, nói kiểu nhà văn Tinh Vệ (Diệu Tần). Nhà thơ Việt Bằng khá sành tâm lý phái nữ khi viết:

Ghét anh quá,
Ðể mình em trong dòng đời nghiệt ngã.
(Như Huyền Thoại Ngàn Ðêm Lẻ)

Ở người nữ khi yêu quá trở thành ghét để dễ yêu hơn.

7.

Một số bạn bè nói với tôi văn phong của Việt Bằng hơi kiểu cách và thời thuợng nhưng tôi không nghĩ thế ố Thơ anh rất tự nhiên:

Nếu tình yêu đến từ trái tim, nhịp thở
Và em như một như một loài quỳnh hoa trăm cánh nở,
Anh chẳng tìm đâu trái cấm Thiên Ðường,
Khi ôm em vào lòng với Hạnh Phúc, Tai Ương.
(Quỳnh Hoa)

Từ khúc này không có gì kiểu cách, cầu kỳ, có chăng, về ngữ pháp, là tập hợp của những câu phức hợp cấu tạo bởi 4 mệnh đề chính và phụ và cũng là đoạn kết của bài “Quỳnh Hoa”, một trong những bài tâm đắc của Vịêt Bằng.

Thơ Việt Bằng cũng không thời thượng tuy rằng anh có viết những bài thơ “Siêu Thực”, Tháng Giêng 2001, Giã Từ Huyền Thoại v.v...
Thực ra chủ nghĩa siêu thực phát triển mạnh vào cuối thập niên 60 và thập niên 70. Thiên kỷ sau anh mới viết những bài thơ siêu thực thì sao gọi là thời thượng được.

Thủa ấy tôi cũng đến Giảng Ðường Ðại Học Văn Khoa Saigon, thời giáo sư Nguyễn Ðăng Thục là Khoa Trưởng, để tham dự những buổi nói chuyện về về “Thi văn Siêu Thực), các diễn giả là các giảng sư Ðai học, có người đến từ Ðại Học Sorbone, Paris, nhưng thời đó tôi lại không có cơ duyên để tìm hiểu sâu khuynh hướng văn học này.

8

Ðôi khi tôi thắc mắc nên gọi Việt Bằng là nhà thơ, nhà giáo hay sinh viên hậu đại học? Có lẽ anh đã dứt khoát bỏ lại chiếc áo “mô phạm” sau lưng khi tự xếp hàng vào đội ngũ sinh viên của các trường Ðại Học Hoa Kỳ.

Chụp cho anh cái mũ “mô phạm” có nghĩa là triệt hạ cảm hứng thơ của anh; bắt anh phải giữ lấy lề tuy giấy rách cũng khó cho anh . Thôi thì cứ gọi anh là nhà thơ để thuận lợi cho sự đối thoại.

Tôi đứng ở một góc độ rất nhỏ, nhìn vào “Những Mảnh Tình Trong Khuôn Viên Ðại Học”của nhà thơ Việt Bằng và thưởng thức thơ anh trong một thân tình. Có thể tôi đã tìm lại ở đó một chút gì của tuổi thanh xuân, một hạnh phúc nhỏ nhoi cho những ai đã mất mát nó trong cuộc đời.

CAO MỴ NHÂN
 


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003