Apr 17, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Biên khảo, Phê bình
XUÂN với TRUYỆN KIỀU
Hải Bằng HDB

Thi Hào Nguyễn Du đã sử dụng bao nhiêu từ xuân trong Truyện Kiều?
(Riêng tặng các bạn trẻ nặng tình với văn học dân tộc.)
- Hải Bằng.HDB
*
Ai cũng đều biết: qua hết cảnh mùa đông lạnh lẽo, hoang vu, mùa xuân hiện ra lộng lẫy, huy hoàng với những tia nắng rực rỡ, bầu trời trong xanh, chim hót tưng bừng, cây cối lại đâm chồi, nẩy lộc, đơm hoa, và lòng người lại cảm thấy trẻ trung, sảng khoái. Vâng, xuân chính là thời điểm của thiên nhiên trong đó sức sống của vạn vật lại bừng lên bắt đầu một chu kỳ mới với tất cả những vẻ đẹp huyền nhiên của nó từ thuở nào. Và, ai cũng yêu mùa xuân vì mùa xuân là mùa gợi cảm nhất. Trong văn chương Việt, không biết bao nhiêu nhân vật đã viết về Chúa Xuân.

Xuân Diệu, trong bài “Nguyên Ðán” ví tình yêu như mùa xuân:

Xuân của đất trời nay mới đến
Trong tôi xuân đã đến lâu rồi
Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi

Nhà thơ Ðông Hồ trong bài “Cô Gái Xuân” dài 68 câu, thi nhân đã dùng tới 12 chữ “xuân”:
Trong xóm làng trên, cô gái thơ
Tuổi xuân mơn mởn vẻ đào tơ
Gió đông mơn trớn bông hoa nở
Lòng gái xuân kia vẫn hững hờ

Nguyễn Bính là nhà thơ tình được nhiều người ưa chuộng, cũng trong thập niên ấy, qua bài “Thơ Xuân”, viết:
Ðây cả mùa xuân đã đến rồi!
Từng nhà mở của đón xuân tươi
Từng cô em bé so màu áo
Ðôi má hồng lên nhí nhảnh cười

Nhà thơ nghèo, trào phúng Tú Xương với bài “Xuân”, mô tả:
Xuân từ trong ấy mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai, khắp mọi nhà
Dám hỏi những ai nơi cố quận
Rằng xuân, xuân mãi thế ru mà?

Xuân Giáp Thân (2004), nhà thơ Trần Khắc Phùng viết trong bài “Mùa Xuân và Quê Hương” (Giai Phẩm Xuân, Florida Việt Báo, trg. 137):
Ta hỏi mùa xuân đã đến chưa
Còn bao đêm nữa đến giao thừa
Còn bao đêm nữa trời rung chuyển
Ðể khắp quê hương gió đổi mùa

Riêng đối với thi hào Nguyễn Du (1765-1820): qua 3254 câu thơ của Truyện Kiều, nhà thơ đã sử dụng tới 57 từ “xuân”. Tính trung bình thì cứ 60 câu thơ lại thấy xuất hiện từ “xuân”. Dường như chưa có một tác giả cổ, kim, đông, tây nào đã sử dụng từ “xuân” trong một tác phẩm văn vần hay văn xuôi nhiều đến như thế, và đặc biệt là nhiều mà không nhàm. Mỗi từ “xuân” được nhà thơ sử dụng cho một tình huống khác nhau. Và, hẳn là Nguyễn Du phải đã yêu Nàng Xuân (Xuân Hương?) lắm nên ngọn bút tài tình đã linh động thảo nên những xuân tứ muôn vẻ tuyệt vời qua những câu thơ trích dẫn sau đây:

Trước hết, xuân là thời điểm đẹp nhất trong bốn mùa:
Ngày xuân con én đưa thoi
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Ðêm xuân một giấc mơ màng
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà
Ngày xuân đã dễ tình cờ mấy khi
Ngày xuân càng gió, càng mưa, càng nồng
Ðêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng
Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân
Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng
Thưa hồng, rậm lục, đã chừng xuân qua
Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân
Xuân, thu cắt sẵn hai tên hương trà
Cửa thuyền vừa cữ cuối xuân
Xuân, thu biết đã đổi thay mấy lần

Xuân để mô tả về tuổi trẻ sung mãn, dung mạo xinh đẹp, và hình ảnh vui tươi:
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Một chàng vừa trạc thanh xuân
Nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương
Xuân, lan; thu, cúc, mặn mà cả hai
Cũng liều bỏ quá xuân xanh một đời
Những mình nào có biết xuân là gì!
Tin xuân đâu dễ đi về cho năng
Tiếc hoa những ngậm ngùi xuân
Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng
Ngày xuân em hãy còn dài
Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân
Bốn bề xuân tỏa một nàng ở trong
Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non
Cát lầm ngọc trắng, thiệt đời xuân xanh
Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày
Trai tài, gái sắc, xuân đương vừa thì
Vương, Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày
Phòng xuân trướng rủ hoa đào
Dưới đèn tỏ rạng má đào thêm xuân
Chừng xuân tơ liễu còn xanh
Khúc đâu êm ái xuân tình
Vườn xuân một cửa, để bia muôn đời
Xuân còn được dùng để chỉ người thuộc phái đẹp:
Một nền Ðồng Tước khóa xuân hai Kiều
Lượng xuân dù có hẹp hòi
Xuân đường kíp gọi Sinh về hộ tang
Gối yên đã thấy xuân đường đến nơi
Lại vừa gặp khoảng xuân đường lại quê
Liệu đem tấc cỏ quyết đền ba xuân
Rạng ra gởi tới xuân đường
Xuân đình thoắt đã dạo ra cao đình
Cỗi xuân tuổi hạc càng cao
Xót thay huyên cỗi, xuân già
Xuân huyên chợt tỉnh giấc nồng
Xuân huyên lo sợ xiết bao
Xuân già còn khỏe, huyên già còn tươi
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay
Chúa xuân đành đã có nơi
Chúa xuân để tội một mình cho hoa (57)

Tại sao Nguyễn Du đã sử dụng từ xuân nhiều như thế? Có một động cơ nào khác ngoài cái tình chan chứa yêu thiên nhiên? Có người nói đến mối tình văn bút của nhà thơ đối với nữ sĩ Xuân Hương. Người nghệ sĩ tài hoa nào mà không có những rung động trước những vẻ đẹp ố sắc, tài ca, ngâm, thi văn đặc biệt là của nữ giới?
Nhưng trước hết tưởng cũng nên trở lại tìm hiểu Nguyễn Du là ai bởi vì các tài liệu mới tìm ra được trong vài thập niên gần đây đã cho ta hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ thiên tài này mà các tài liệu giáo khoa còn ghi nhận sơ sài, chẳng hạn, mối giao lưu văn bút đầy tình cảm giữa ND với Nữ Sĩ họ Hồ; những sự vụ liên quan đến cuộc hành trình đi sứ ; và ND lập gia đình vào năm 1786 hay 1796, cùng với từ Tố Như có đúng là tên tự hay chỉ là một từ ngữ thông thường như nhà biên khảo Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh lập luận trong cuốn Hồ Xuân Hương, Nàng là Ai (xb: 2000).

Nguyễn Du (1765-1820, Bích Câu, Thăng Long) vốn dòng dõi gia đình khoa bảng. Cha là Nguyễn Nghiễm (Tiên Ðiền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và anh là Nguyễn Khản đều đỗ tiến sĩ làm quan với Triều Lê mạt; bố vợ là Ðoàn Nguyễn Thục (Quỳnh Côi, Thái Bình). Bản thân ND thì thuở nhỏ được sung sướng và được tập ấm và gọi là Cậu Bẩy Chiêu nhờ cha là Tể Tướng trong triều Lê. Nhưng chẳng bao lâu thì cha mất (1775), rồi mẹ cũng mất (1777) đúng vào thời điểm Nguyễn Huệ đem quân đánh Gia Ðịnh giết Nguyễn Phúc Dương và Nguyễn Phúc Thần. Cuộc sống phải nương tựa nơi nhà các anh và ND chỉ thi đậu Tam Trường (Tú Tài) lúc 18 tuổi (1782), nhưng tài nghệ văn chương thì vượt trội các nhân tài đương thời. Năm 1786, ND giữ chức Chánh Thủ Hiệu tại Thái Nguyên (thời Chúa Trịnh) và có lẽ đã lập gia đình vào thời gian này (1786: 22 tuổi). Vì dòng họ có người chống lại Nhà Tây Sơn nên cơ nghiệp họ Nguyễn Tiên Ðiền bị tiêu tán: “Hồng Lĩnh vô gia, huynh đệ tàn”. Cho tới khi Vua Gia Long thống nhất, ND được vời ra làm quan năm 1809 (44 tuổi), lãnh chức Cai Bạ (ngang với Bố Chánh sau này) tại dinh Quảng Bình. Năm 1813, ND được thăng Cần Chánh Ðại Học Sĩ và được cử đi sứ Trung Hoa. Năm 1815 ND được thăng Hữu Tham Tri Bộ Lễ. Năm 1820, vua Minh Mạng nối ngôi Gia Long, ND lại được cử làm chánh sứ sang Trung Hoa cầu phong. Chưa đi được thì ND qua đời vì bạo bệnh, thọ 55 tuổi và an táng tại cánh đồng Bầu Ðá, xã An Ninh, Quang Ðiền, Thừa Thiên. Năm 1824, con trai của ND là Nguyễn Ngũ dời mộ ND về Tiên Ðiền, Nghi Xuân, Nghệ Tĩnh.

Tóm lại, vì tao loạn và gia đình sa sút: “Mười miệng đói kêu ngoài cõi Bắc; Một mình bệnh rụi góc thành Nam”, ND đã không thể hoàn thành sự nghiệp thi cử như ý muốn. Cái mặc cảm phải ăn nhờ, ở đậu cộng với sự thua kém về khoa bảng và nghịch cảnh phải làm quan với một triều chính ông không quy phục tất đã khiến cho một con người tài hoa, thông đạt Phật, Lão, Khổng học như ND, không thể không mang một tâm sự đầy u uất và tất phải mượn ngòi bút, câu thơ để giãi tỏ tấm lòng. Thật là: “Vui là vui gượng kẻo là. Ai tri âm đó mặn mà với ai?” Và, vào thời tao loạn đó, cái chí hướng của ND có thể không chỉ đóng khung trong con đường làm quan mà có thể là còn mơ xa nữa khi muốn “Chi bằng riêng một biên thùy. Sức này đã dễ làm gì được nhau?” Và Truyện Thúy Kiều của ND là một đại kiệt tác trong đó biểu lộ tài nghệ vượt bực của ND về tả cảnh, tả tình, tả người, tả tâm lý, biện bác, và những kiến thức sâu rộng về triết lý và đạo đức. Trải qua gần 300 trăm, Truyện Kiều là một tác phẩm phổ cập nhất trông dân gian dưới nhiều hình thức như: giáo khoa, ca ngâm, kiều lẩy, tuồng, phim, tranh Kiều, tập Kiều (chắp nhặt những câu thơ trong Kiều thành một bài thơ. Coi “Hoa Xuân” trong phần Phụ Lục ở cuối bài). v.v. Người ta thường nhắc lại hai câu trong bài “Ðộc Ký Tiểu Thanh” của ND

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Không biết ba trăm năm hậu thế
Có người thương khóc Tố Như chăng?

Người khóc hẳn đã có. Nhưng giờ đây, vẫn khóc vì đã lâu rồi, áng thơ làm rạng danh văn học Việt Truyện Kiều đã không còn được đem ra bình giảng rộng rãi trong các hoc đường và ngày một trở nên xa lạ với tuổi trẻ.

Trong quãng đời từ 20 tuổi đến 40 tuổi, ND đã từng giao lưu văn bút đặc biệt là với những kỳ nữ trong đó có Hồ Xuân Hương. Nhưng trước hết xin nhắc tới kỹ nữ gẩy đàn mà ND đã được gặp mặt và nghe tiếng đàn khi ở nhà anh là Nguyễn Nễ đang làm quan với nhà Tây Sơn khoảng năm 1793. Hai mươi năm sau, năm 1813, nhân chuyến đi sứ, ND có dịp trở lại Thăng Long, nghe được tiếng đàn xưa, và nhận ra người gẩy đàn chính là kỹ nữ tài sắc ngày xưa. ND ngậm ngùi vì thấy sắc đẹp một thời của kỹ nữ từng làm lung lạc người nhìn nay đã tàn phai. Tố Như tiên sinh đã cảm tác ra bài “Người Gẩy Ðàn Ðất Long Thành” với ghi chú: “Người ta trong cõi trăm năm, những vinh, nhục, buồn, vui thật khôn lường được. Sau khi từ biệt nàng, trên đường đi, cảm thương vô hạn, nên làm bài ca này để ghi lại mối cảm hoài sâu xa.” Trích vài câu như sau:

Tuổi hăm mốt nõn nà, lộng lẫy
Gió xuân êm hây hẩy hồng đào
Men tô duyên não nùng sao
Nỉ non tiếng thấp, tiếng cao tuyệt vời

Ðặc biệt với Hồ Xuân Hương, theo tài liệu biên khảo của Tiến Sĩ Phạm Trọng Chánh, thì ND đã viết cho nữ sĩ XH 6 bài, còn XH viết cho ND 14 bài. Nhưng XH thực sự là ai? Rất có thể đã có người ngụy tạo thơ gán cho bà để trêu chọc khiến cho chuyện về người nữ sĩ tài ba chữ Nôm ấy như muốn trở thành huyền thoại.
Thực sự nếu XH đã khóc chồng là ông Phủ Vĩnh Tường bị án tử hình với câu:
Cán cân tạo hóa rơi đâu mất
Miệng túi càn khôn thắt lại rồi

Và nếu thật sự XH quyết định “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung; kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng” để chấm dứt cuộc sống làm lẽ đầy hẫm hiu với Tổng Cóc bằng những câu:

Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi

Thì XH phải là người tài, có nhan sắc, và thích nói thẳng. Chẳng hạn, với vài chàng văn dốt mà XH gọi là ngọng:

Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông
Nó bảo nhau rằng “ấy ái uông”
Và XH cũng lấy làm tiếc cho phận làm đàn bà của mình:
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?

Vì thế, không lạ gì mối giao lưu tình cảm văn bút giữa ND và XH đã thật là thắm thiết:
ND viết: “Tây Hồ vươn cảnh đã hoang vu”
XH đáp: “Phong cảnh Tây Hồ chẳng khác xưa”
XH viết: “Cây có vầng xanh tỏ tấm lòng”
ND đáp: “Một vầng trăng sáng tỏ tình ta”
Vâng, XH phải là người vừa có tài, có sắc, vừa đáng kính nể nên ND mới hạ bút viết:
Hái sen chớ đụng ngó
Năm sau hoa chẳng sinh

Rõ ràng hai nhà thơ đã “mến nhau vì sắc, trọng nhau vì tài” và cả hai đều là những nhà thơ lãng mạn tiền phong của nền văn học Việt ở thế kỷ 18. Nhưng cũng chính cái tính chất lãng mạn trong thơ của ND cũng như của Hồ Xuân Hương không mấy làm hài lòng các nhà nho bảo thủ đương thời, nên đã có câu:
Ðàn ông chớ đọc Phan Trần
Ðàn bà chớ đọc Thúy Vân, Thúy Kiều

Tóm lại, Hồ Xuân Hương, theo những tài liệu và lập luận của Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn và Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh, không phải là một nhân vật huyền thoại trong văn học. HXH có tên là Hồ Phi Mai mà Nguyễn Du rất ngưỡng mộ tài sắc và ví HXH với hoa sen tươi đẹp, và so sánh HXH với Tiểu Thanh qua bài “Ðộc Tiểu Thanh Ký” , một người đẹp trong tiểu thuyết Tầu. Nguyễn Du đã để lại cho đời tác phẩm bất hủ ố Truyện Kiều. Con người tài hoa ấy chẳng gặp thời tất phải bất đắc chí. Hồ Xuân Hương cũng để lại nhiều áng thơ nôm đa dạng trào lộng tuyệt vời. Số phận cả hai cùng đầy nỗi truân chiên. Cả hai cuộc đời ấy đã diễn ra như để minh chứng thuyết “tài mệnh tương đố” hay “hồng nhan đa truân” của nhà nho ngày trước mà ND đã nêu ra trong câu thơ khai đề của Truyện Kiều:

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau

Con người có số mệnh không? Ðiều này thuộc phạm vi tin hay không tin mà thôi. Tuy nhiên, thực tiễn nhất trong đời vẫn là con đường Trung Ðạo:
Có trời mà cũng có ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

Nguyễn Du đã tỏ ra yêu mùa xuân, nhắc nhở vô vàn tới xuân, âu cũng có thể là vì cuộc đời của con người thi sĩ tài hoa ấy trải qua đã chẳng có những mùa xuân như ý muốn.

Hải Bằng HDB
*
Phụ Lục
HOA XUÂN
(Tập Kiều)
- Ðào Nguyên (VA)
*
Ngày xuân con én đưa thoi
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Chơi hoa đã dễ biết hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân
Dưới đèn tỏ rạng chén xuân
Hoa xuân ong củ mấy phân chung tình
Chừng xuân tơ liễu còn xanh
Bóng hoa đầy đất, vẻ ngân ngang trời
Ngày xuân em hãy còn dài
Phẩm đề xin một vài lời thêm hoa
Xuân thu cắt sẵn hương trà
Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng
Ðêm xuân một giấc mơ màng
Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông
Ðêm xuân ai dễ cầm lòng
Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa
Cửa sài vừa ngỏ then hoa
Xuân đình thoắt đã dạo ra cao đình
Khúc đâu êm ái xuân tình
Trên đào nhác thấy một cành kim thoa
Nặng lòng xót liễu vì hoa
Mười phần xuân có gầy ba bốn phần
Vinh hoa bõ lúc phong trần
Chữ tình ngày một thêm xuân một ngày
(Cỏ Thơm, 2004, # 26, trg. 45)
*

Coi: Hồ Xuân Hương, Nàng là Ai của Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh, xb. 2000.
Hồ Tây cảnh đẹp hóa gò hoang. Thổn thức bên trong mảnh giấy tàn. Son phấn có thần chôn vẫn hận. Văn chương không mệnh đốt còn vương. Nỗi hờn kim cổ, trời khôn hỏi. Cái án phong lưu, khách tự mang. Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa. Người đời ai khóc Tố Như Chăng? (Vũ Tam Tập dịch nôm).








Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003