Apr 24, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Điểm sách
MỘT SỐ DƯ LUẬN BÁO CHÍ VỀ CUỐN SÁCH
Hình ảnh
#1
Bấm vào hình
để phóng to
Webmaster

Trong tháng Tám vừa qua có một cuốn sách mới ra đời, tuy mới ra nhưng đã được giới truyền thông chú ý đến và dành cho nhiều bài nhận xét. Các báo Ngày Nay ở Houston, Thủ Ðô Thời Báo ở Washington DC, Saigon Nhỏ, NgườiViệt, Thế Kỷ 21 ở Quận Cam đều có bài nói đến cuốn sách này với sự đánh giá đặc biệt, ngợi khen một cách trân trọng.
Ðó là cuốn "VIỆT NAM 1945-1995' Tập I của Giáo sư Lê Xuân Khoa.

Ông Lê Xuân Khoa là một nhà giáo chuyên nghiệp. Trước năm 1975, ông giảng dạy Triết Học Ðông Phương tại Ðại Học Văn Khoa Saigon, giảng dạy Văn Minh Việt Nam tại các Ðại Học Ðà Lạt, Minh Ðức và Vạn Hạnh. Chức vụ cuối cùng của ông trước khi miền Nam sụp đổ là Phó Viện Trưởng Viện Ðại Học Saigon.

Ông sang Hoa Kỳ năm 1975 và bắt đầu hoạt động ngay về tị nạn. Ông đã được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tuyên dương vì đã có công đóng góp cho thỏa hiệp Việt Mỹ về vấn đề định cư cựu tù nhân chính trị. Ông cũng là người hoạt động nhiều cho vai trò của các tổ chức ngoài chính phủ.

Năm 1996, GS Lê Xuân Khoa được mời làm giáo sư thỉnh giảng tại Trường Cao Học Về Nghiên Cứu Quốc Tế thuộc Ðại Học Johns Hopkins ở Washington DC.

Năm 2001, ông được nhận làm học giả ngoại trú của Học Viện về Chính Sách QuốcTế, cũng thuộc Ðại Học Hopkins, và từ đó chỉ chuyên tâm vào việc nghiên cứu và viết sách.

Cuốn "VIỆT NAM 1945-1995" của Giáo Sư Lê Xuân Khoa viết về các vấn đề chiến tranh, tị nạn, và từ đó rút ra những bài học lịch sử. Tập I này viết về cuộc tị nạn lớn năm 1954 và bài học 4 cuộc chiến từ 1945 đến 1979 - cuộc chiến với Pháp, với Mỹ, với Trung Quốc và với Campuchia. Ðể có khái niệm về giá trị và phần nào nội dung của cuốn sách này, chúng tôi xin trích lại một số ý kiến đã đăng tải trên một số cơ quan truyền thông.

Sau đây là trích đoạn bài viết của tác giả Nguyễn Quốc Cường nhan đề "Ðọc Việt Nam 1945-1995 của Giáo Sư Lê Xuân Khoa" đăng trên báo Thế Kỷ 21, số tháng 10,
năm 2004.

Soạn phẩm "VIỆT NAM 1945-1995, Chiến Tranh, Tị Nạn và Bài học Lịch Sử" của Giáo sư Lê Xuân Khoa là một công trình đầu tiên nhằm phục hồi sự thống nhất sử liệu Việt Nam trong một giai đoạn phân tranh đẫm máu nhất và liên tục nhất của lịch sử đất nước, dù không lâu dài bằng thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh. Cuốn sách của ông là một bước đầu để trả lại lịch sử những gì mà các bên tham chiến đã cố tình
không muốn nhắc đến. Theo giáo sư Khoa, soạn phẩm của ông là một cố gắng “phục hồi sự thật lịch sử trong 50 năm bi thảm nhất của dân tộc Việt Nam, nhất là những sự kiện đã được che dấu vì mục đích tuyên truyền, hoặc chưa được giải mật vì lý do quốc phòng hay ngoại giao”.

Trong một đoạn khác, tác giả Nguyễn Quốc Cường viết:
....”Do công trình sưu tầm và nghiên cứu sự kiện của tác giả, người đọc nhận được nhiều dẫn chứng đích xác về các nguồn tài liệu và nhân vật liên hệ từ cả hai phe Quốc Gia và Cộng Sản Việt Nam, của Trung Quốc, Pháp và Hoa kỳ. Những sử liệu này, không những đính chính một số lớn nhận định sai lầm do thiếu hiểu biết hay do thái độ thiên vị của nhiều chính trị gia, học giả và báo chí quốc tế - đặc biệt là Hoa Kỳ - về văn hóa, lịch sử và chiến tranh Việt Nam, mà còn cung cấp cho độc giả một lối nhìn mới về những chuyển động lịch sử trong giai đoạn được phân tích.”

Ký giả Tú Gàn, trong bài “Nhìn lại lịch sử”, nhận xét về cuốn sách “VIỆT NAM 1945-1995” đăng trên báo Sài Gòn Nhỏ ngày 24.9.2004, đã viết:

“Cứ nhìn số lượng sách và tài liệu mà tác giả đã chọn để tham khảo khi viết cuốn sách chưa đầy 600 trang này, chúng ta cũng có thể thấy đây là một công trình nghiên cứu công phu, tốn kém rất nhiều thời giờ và tiền bạc. Mỗi biến cố hay nhận xét được đưa ra đều được tác giả dẫn chứng bằng những tài liệu hay sự kiện. Dù đồng ý hay không đồng ý với tác giả, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng tác giả đã cố gắng viết thật khách quan và khoa học.”

....”Nhìn chung, trong Tập I của cuốn “Việt Nam 1945-1995”, tác giả muốn đưa ra một tầm nhìn bao quát về cuộc chiến Việt Nam và những bài học lịch sử có thể rút tỉa được.
Tác giả tránh đi vào những vấn đề đang tranh luận, những vấn đề hóc búa, những bí ẩn đằng sau cuộc chiến... Với một lối viết nhẹ nhàng và khúc chiết, với những tài liệu đượcđánh giá và lựa chọn kỹ càng, tác giả muốn rút ra từ cuộc chiến những bài học hữu ích.”

Và sau đây là một số nhận xét của nhà báo Hoàng Nhân Văn về cuốn sách của Giáo Sư Lê Xuân Khoa đang trên tờ Thủ Ðô Thời Báo, Washington DC, ngày 27.8.2004.

....”Bộ Việt Nam 1945-1995 của GS Lê Xuân Khoa... vượt lên tầm cao, vừa là giá trị hàn lâm, vừa vô tư và là chứng nhân lịch sử, được viết với một tinh thần chỉ đạo: “Không ai có thể thay đổi được quá khứ nhưng ai cũng có thể và cần vượt lên khỏi những sai lầm của quá khứ. Ðó là bài học tích cực của lịch sử.”

....”Ngoài phương pháp sử, tín sử và đạo đức của người viết mà GS Lê Xuân Khoa đã hội đủ, ông còn thể hiện cái tâm của một nhà văn, cái tâm trong tâm thân và tâm thức dân tộc với một tinh thần quốc gia rất rõ rệt. Chỉ có tinh thần quốc gia mới đủ làm sống động và phát huy được lòng yêu nước... Tác giả “VIỆT NAM 1945-1995” đẳ thừa hưởng di sản cao quí này của tổ tiên thể hiện trong văn phong đặc biệt của ông, bàng bạc sử hồn và hồn nước.”

Với một số nhận xét của báo chí về tác phẩm “VIỆT NAM 1945-1995” như thế, ta có thể thấy rằng đây là một tác phẩm giá trị về sử học, mà tác giả, với một phương pháp làm việc khoa học và vô tư, với một kiến thức và công phu sưu tầm tài liệu lớn lao, đã bỏ ra nhiều thì giờ và tâm sức để thực hiện. Ngoài tài năng, tác giả còn có cái Tâm rất thiết tha với Việt Nam, tất cả công trình của ông là để đi tìm những bài học cho các thế hệ bây giờ và mai sau, để tránh những đau thương của quá khứ và xây dựng thành công một nước Việt Nam phú cường và văn minh. Cái tâm ấy, ta thấy rõ nơi câu đề từ đầu sách: “Tưởng niệm vong linh tất cả những đồng bào đã bỏ mình trong ba mươi năm huynh đệ tương tàn và chiến tranh ủy nhiệm” cùng với câu thơ trích của Tô Thùy Yên:

Quen, lạ, bạn, thù chung giấc ngủ
Chung lời thương tiếc khắc trên bia,

PHẠM PHÚ MINH
(Trích Nguoi-Viet Online)


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003