Apr 26, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Điểm sách
Ðọc Tác Phẩm của Giáo Sư Lê Xuân Khoa VIỆT NAM 1945-1995 (Chiến Tranh, Tỵ Nạn Và Bài Học Lịch Sử)
Hình ảnh
#1
Bấm vào hình
để phóng to
LÝ MINH HÀO

Ðọc sách lịch sử thường không phải là để giải trí hay tiêu khiển, nên thường buồn nhiều, vui ít Nhất là giai đoạn lịch sử Việt Nam hiện đại vừa xẩy ra trên dưới nửa thế kỷ, người đọc thường vừa hoang mang vừa nhức đầu với những "tiết lộ hay ghi chép lịch sử" mà tác giả của nó đều cho rằng mình biết nhiều, nói thật và viết đúng. Nhưng thực tế người đọc đều ít nhiều thất vọng qua tác giả và tác phẩm.

Ðọc tác phẩm sử học Việt Nam 1945-1995, Tập 1 (1945-1979) của giáo sư Lê Xuân Khoa, người đọc ít ra có cảm giác dễ chịu vì người chấp bút viết sử biết trước hết loại ra chữ "tôi" ngôi thứ nhất thường dễ rơi vào cái hố "chủ quan" rất tai hại khi viết sử.

Theo quan niệm viết sử của Tư Mã Thiên: "Cái việc tôi gọi là thuật lại chuyện cũ chỉ là sắp đặt lại tài liệu có sẵn lưu truyền, không phải là sáng tác.
" (Dư sở vi thuật cố sự, tề chỉnh kỳ thế truyền, phi sở vị tác dã), tác giả Lê Xuân Khoa tránh được “cái tôi thường đáng ghét” (le moi est haissable – Blaise Pascal) và cố gắng giữ cán bút cân phân khi viết về các biến cố sử quan trọng hay các nhân vật sử gai góc.

Kế đến, cách chọn chữ đặt tựa sách tuy không hấp dẫn, giựt gân, dễ “câu” độc giả mua sách để đọc theo lối cầu may “xuân thu nhị kỳ”, nhưng lại đúng, hợp với sách sử
học, cộng thêm cách viết và dụng ngữ (văn phong) trong sáng của một nhà giáo đôn hậu khoan hòa, tác giả Lê Xuân Khoa đã đáp ứng được những tiêu chuẩn tốt mà người
soạn sử và viết sử cần biết – “lời đưa đẩy là hoa, lời chánh đáng là quả, lời cay đắng là thuốc, lời ngon ngọt là bệnh”
(ý nói: lời đưa đẩy chỉ là bóng bẩy, lời chánh đáng mới là chân thành, lời cay đắng sửa được nết hư, lời ngon ngọt dễ gây tai hại).

Cuối cùng, người đọc vẫn thấy được sự can đảm, nếu không muốn nói là dũng khí của một kẻ sĩ, và cái nhìn quán triệt thực tế, thời thế từ một con người Việt Nam nặng
tình dân tộc và nhân bản, thể hiện ngay trên trang đầu vào nội dung sách qua những dòng chữ, câu thơ “gửi gấm tâm sự” của tác giả:

Tưởng niệm vong linh tất cả những đồng bào đã bỏ mình trong ba mươi năm huynh đệ tương tàn và chiến tranh ủy nhiệm.
Lê Xuân Khoa

Quen, lạ, bạn, thù chung giấc ngủ
Chung lời thương tiếc khắc trên bia.
Thơ Tô Thùy Yên

Qua gần 500 trang sách, không kể phần phụ lục, sưu tập các văn kiện lịch sử và bài viết của các tác giả khác, tác giả Lê Xuân Khoa đã tổng quan những biến cố lịch sử Việt Nam hiện đại qua các nguyên nhân và hậu quả của cuộc chiến tranh (chống Pháp,Quốc gia và Cộng sản, Hoa Kỳ và Việt Nam, Việt Nam và Cao Miên, Trung Quốc), di cư (1954), di tản (1975), định cư tỵ nạn (sau 1975)

Trong phần I, các chương lịch sử Việt Nam lâu nay được viết nhiều, nói nhiều và nhiều sự thật đã phơi ra ánh sáng như Quốc gia và Cộng sản (ảnh hưởng và can thiêp)
giúp cho người đọc khái quát các điểm chính không cần mất nhiều thì giờ tìm đọc trong các sách vở và tài liệu dầy cộm khác.

Phần II, hai chương Hội Nghị Genève, Hai Nước Việt Nam, Bài học 9 năm (1945-1954) , từ những dữ kiện mới, tác giả phân tích khúc triết làm sáng tỏ thêm sự thật
và cái giá của chiến thắng Ðiện Biên Phủ, huyền thoại Võ Nguyên Giáp, nguyên nhân thất bại của những đảng phái chính trị quốc gia và những trí thức yêu nước, những sai
lầm của Pháp và Hoa Kỳ qua các cơ hội bỏ lỡ.

Phần III, với tiêu đề “Nội Chiến hay Chiến Tranh Ủy Nhiệm?”
bao gồm những chương gay cấn dễ gây nhiều tranh luận chính kiến hay hay tranh cãi định kiến:
Sự Sụp Ðổ của VNCH, Sai lầm của Hoa Kỳ,Sai lầm của VN Cộng sản, Sai lầm của VN Quốc Gia.

Ðặc biệt trong Phần Lời Kết, tác giả đúc kết những lời tâm huyết qua những dòng chữ trên trang cuối:

“Chủ nghĩa cực đoan dễ làm cho con người mất sự sáng suốt của lý trí và trở thành tự tôn, độc tài và tàn nhẫn...
Ðã có nhiều trường hợp cho thấy hậu quả tai hại xảy ra cho những chế độ độc tài, cộng sản hay không cộng sản, trong khi những nhà cầm quyền còn tại chức...

Có những nhà lãnh đạo nào đã tự hỏi mình:

Nên để lại tiếng thơm hay tiếng xấu cho hậu thế? Bách thế lưu phương hay lưu xú vạn niên?”

Trong tác phẩm “Việt Nam 1945-1995, Tập I”, người đọc không tìm thấy những khẩu hiệu hay quan điểm “chống cộng hay thân cộng, hòa giải, hòa hợp” mà một số tác giả viết sử, viết hồi ký về giai đoạn lịch sử Việt Nam hiện đại thường
mắc phải. Tác giả Lê Xuân Khoa đã chọn và theo “một sử quan của một nhà viết sử” tương tự như Bayard and Quincy Morgan, giáo sư viện Ðại Học Standford University, khi đặt bút viết bài biên soạn sử: “Going back to my immedate postwar feelings, sure I was apolitical.”

“Việt Nam 1945-1975, Tập I” của tác giả Lê Xuân Khoa chưa thể đánh giá trong lúc này. Hy vọng khi tác giả hoàn tất tập II, giá trị toàn bộ của tác phẩm sẽ được đánh giá với sự công bằng hơn và đầy đủ hơn. Lý do: hỏa mù định kiến chính trị còn bao trùm lên lịch sử Việt Nam hiện đại.

LÝ MINH HÀO

(Trích trong tuần báo “THỜI BÁO”, Oakland, San Jose,
San Francisco, Oct 23-2004 trang 90)










Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003