Apr 19, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Biên khảo, Phê bình
VẤN ĐỀ NGÔN NGỮ BỊ TUYỆT DIỆT
DIỆU TẦN NGUYỄN TINH VỆ
Chúng ta nghe nói nhiều và chia xẻ sự lo lắng, chú tâm về ô nhiễm môi trường, sinh thái tự nhiên, về nguy cơ tuyệt chủng của các loài sinh vật, cùng lúc góp phần bằng cách này, cách khác với các nhà khoa học để bảo vệ sinh học có được sự đa dạng.
Về động vật, loại động vật có vú có nguy cơ mất giống nặng nhất: 326 loài trong tổng số 4400 loài, tỷ lệ 7, 45%, sau đó là loài chim, 231 trên 8600 loài, chiếm 2,7%. Chỉ riêng ở Alaska, 10% loài thú và 5% loài chim đang bị đe dọa tuyệt chủng. Đó là chúng ta chưa nói đến nguy cơ của thảo mộc (thực vật).
Nhưng còn ít người nói đến sự đa dạng ngôïn ngữ, văn hóa của các dân tộc, nghĩa là môi trường, sinh thái văn hóa. Cũng như người ta ít biết đến nguy cơ tiêu vong đang đe dọa một số lớn ngôn ngữ nhân loại.
Cho đến bây giờ, người ta chưa có con số chính xác về tổng số ngôn ngữ thế giới. Voeglin thì nói có 4500 ngôn ngữ khác nhau; Ruhlen năm 1987, đưa ra con số 5000, Grimmeses năm 1988 nói có 6000, mới đây có nguồn tin nói có đến 6500 ngôn ngữ trên thế giới. Sự phân bố ngôn ngữ cũng không cân bằng. Chỉ riêng châu Phi và châu Đại Dương đã chiếm 81% tổng số vì có đến 4900 ngôn ngữ, phương ngữ. Châu Mỹ có khoảng 900, tỷ lệ chiếm 15%, châu Âu và Trung Đông có 275, chiếm 4%.
Tình trạng các ngôn ngữ, phương ngữ đã chết, hoặc trên đường tiêu vong nói chung rất cấp bách. Sau đây là một bảng ghi nhận sự việc này:

Vùng, quốc gia Số ngôn ngữ đang hấp hối Tổng số Bách phân
Alaska, bắc Nga 45 50 90%
Canada 149 187 80%
Mexico 110 400 27%
Châu Mỹ 300 900 33%
Châu Úc 90%
Nga 45 65 70%

Đông Nam Á là một trong những vùng có số lượng lớn ngôn ngữ của thế giới. Các ngôn ngữ này gần gũi với cội nguồn và ít bị ảnh hưởng ngôn ngữ của các ngôn ngữ có thế mạnh.. Sự việc ngôn ngữ thiểu số dần dần bị biến mất đang ở mức báo động. Tình trạng thiếu nghiên cứu liên hệ giữa ngôn ngữ và các phương ngữ, thổ ngữ ; các sắc dân thiểu số, dân tộc ít người thường bị gộp vào các sắc dân đông người hơn ..Ở vùng này, y tế, điều kiện sinh sống là vài nguyên do càng làm các phương ngữ dễ bị tiêu vong. Các nhà khoa học tiên đoán, chỉ riêng ở Nam Dương, trong số trên 600 ngôn ngữ hiện có, vào cuối thế kỷ XXI sẽ chỉ còn lại chừng 50 thôi.
Một nguyên do khác, hiện nay đang được bàn đến nhiều nhất là cuộc tòan cầu hóa, trong đó ngôn ngữ là một lãnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất. Tiếng Anh là thứ ngôn ngữ mạnh nhất hiện nay, đã trở thành thứ ngôn ngữ trung gian, ngôn ngữ thứ hai của nhiều quốc gia và các cộng đồng nhỏ khác.
Nói chung những sắc dân có số dân từ 200 đến 1000 người, vùng chậm tiến, vùng hẻo lánh, vùng kinh tế yếu ngôn ngữ thì dễ bị mất tích.
Một số nhà ngôn ngữ học cho rằng mỗi năm có độ 12 ngôn ngữ trên thế giới bị tiêu vong. Có tài liệu đưa ra tỷ lệ 50 % ngôn ngữ sẽ bị vắng bóng trong vòng một thế kỷ, có thể sẽ có từ 2000 đến 3000 ngôn ngữ sẽ bị tiêu vong. Trong số 6500 ngôn ngữ đang được sử dụng khắp thế giới, chỉ còn lại khoảng 3500 - 4000 tiếng nói được truyền lại cho các thế hệ tiếp nối, số còn lại (2500-3000) chỉ được truyền lại rất ít, hoăïc không được truyền lại, vì nguyên do này, nguyên do khác, sẽ sẵn sàng bị tiêu vong.
Tính theo các nước có nhiều ngôn ngữ, phương ngữ nhất, người ta có:

Papua New Guinea 850
Indonesia 670
Nigeria 410
Ấn Độ 380
Cameroon 270
Úc đại lợi 250
Mexico 240
Zaire 210
Brazil 210

Mười ba nước khác mỗi nước có từ 100 đến 160 ngôn ngữ, phương ngữ. Đó là Mỹ, Phi luật tân, Nga, Mã lai, Perou, Sudan, Tanzania, Ethiopia, Chad, New Hebrides, Cộng hòa Trung Phi, Mianma và Nepal. Như vậy, chỉ riêng 22 quốc gia này đã có khoảng 5000 ngôn ngữ, phương ngữ rồi. Những biến động trong lãnh vực ngôn ngữ, tình trạng kinh tế, đời sống xã hội, sự bùng nổ thông tin điện tử ở các nước này sẽ có ảnh hưởng mạnh , khiến cho ngôn ngữ bị mất đi nhanh chóng hơn. Do đó, Michael Krauss tiên đoán rằng 90% ngôn ngữ thế giới sẽ biến mất vào cuối thế kỷ XXI.
Nguy cơ gốc của tình trạng hiện nay là hiện tượng quy tụ, phân tách trong việc
vẽ lại bản đồ chính trị thế giới. Đặc biệt là sự tan rã của khối cộng sản và thay đổi thể chế chính trị ở Đông Aâu. Thứ nữa, những khó khăn về kinh tế, như thiếu ngân sách chi cho việc phát triển văn hóa, nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Một điều kiện tất yếu liên hệ đến sự tồn vong của một ngôn ngữ là dân số. Nói rõ hơn là nếu không còn người sắc dân nói thứ tiếng mẹ đẻ đó, tiếng nói đó sẽ biến mất.

Vì sao phải lưu tâm đến tình trạng các ngôn ngữ bị tiêu vong

So sánh tình trạng ngôn ngữ nguy cấp với nguy cơ tiêu vong cac loài sinh vật trên thế giới, người ta nhận thấy rằng ngôn ngữ có nguy cơ bị tiêu vong lớn hơn nhiều so với các loài sinh vật.
Ngôn ngữ là phương tiện truyền thông của con người và cũng là phương tiện suy tư. Ngôn ngữ được tạo thành và phát triển trong lịch sử hàng mấy trăm năm, mấy ngàn năm, góp phần thống nhất dân tộc, là phương tiện truyền lại kinh nghiệm, tri thức tạo nên văn hóa của mỗi dân tộc. Có nhiều định nghĩa về văn hóa, nhưng định nghĩa nào thì ngôn ngữ cũng giữ vai trò chính yếu của văn hóa. Ngôn ngữ là biểu trưng bản sắc văn hóa dân tộc, là quyền sở hữu của dân chúng nước đó, là tài sản thiêng liêng của đấùt nước đó.
Bảo vệ ngôn ngữ các dân tộc chính là bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Trên bình diện giao lưu đa văn hóa có thể nói rằng, mất một ngôn ngữ là thế giới mất đi một phần đa dạng văn hóa nhân loại. Hơn nữa, chính con người chịu sự tác động trực tiếp của hậu quả tiêu vong ngôn ngữ. Mất ngôn ngữ là mất đi nét đặc thù của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng. Mất ngôn ngữ có thể đưa đến những mất mát khác như gia đình bị tan vỡ, thất bại trong giáo dục nhà trường, xã hội bị xáo trộn.
Như đã nói các ngôn ngữ bị đe dọa tiêu vong chỉ xảy ra ở những cộng đồng có vị thế xã hội thấp, kém phát triển, nói rõ hơn là những sắc dân rất cần tựa vào văn hóa truyền thống để sống còn và để nói lên sự có mặt của mình ( bởi họ không có một nền văn minh khoa học, kỹ thuật để phô trương). Do đó bảo vệ, duy trì các ngôn ngữ còn mang ý nghĩa nhân bản, nhân quyền.
Ngôn ngữ loài người vừa có tính cách bình dân vừa có tính cách da dạng. Trong mỗi ngôn ngữ vừa có những dấu hiệu có tính phổ biến vừa mang nét đặc thù riêng. Do đó, bảo vệ sự đa dạng ngôn ngữ cũng quan trọng như bảo vệ sự đa dạng sinh học. Mất đi sự đa dạng ngôn ngữ cũng coi như mất đi sự đa dạng về trí tuệ. Mỗi một ngôn ngữ là một phương tiện độc nhất để phân tích tổng hợp, nhận biết thế giới bên ngoài, tạo nên tri thức giá trị của cộng đồng loài người nói về thế giới. Chúng ta quý và ủng hộ việc gìn giữ ngôn ngữ các dân tộc, những mầm quý của kho tàng ngôn ngữ, văn hóa, văn minh nhân loại .
Bảo vệ môi trường, sinh thái tự nhiên (bảo vệ các loài thú, chim bị đe dọa tuyệt chủng) là việc cấp bách y như việc phải bảo vệ môi trường, sinh thái văn hóa. Các ngôn ngữ đều có giá trị nhân văn như nhau, không những của riêng dân tộc đó mà là kho tàng các ngôn ngữ trên thế giới, là tài sản quý báu chung quốc tế.
Bảo tồn sự đa dạng ngôn ngữ có tầm quan trọng với việc nghiên cứu ngôn ngữ học. Mất đi một phuơng ngữ nào là mất đi nguồn tài liệu đắt giá cho ngôn ngữ học. Như Crowford đã nhận xét, mất đi một ngôn ngữ là mất đi một cửa sổ hiếm quý nhìn vào thế giới tinh thần của con người. Tiếng nói chữ viết sẽ chịu thiệt thòi và trở nên nghèo nàn, vô vị, nếu 90% ngôn ngữ loài người, như dự đóan là sẽ bị tuyệt tích trong thế kỷ XXI! Chúng ta nhớ lại câu của Phan Khôi: -Sẽ chỉ nở có độc một loại hoa vạn thọ
Có hai quan niệm thái độ của xã hội đối với vấn đề ngôn ngữ bị tiêu vong ở các nước đã phát triển và các nước chậm tiến.

a- Các nước chậm tiến, hay kém phát triển thuộc châu Á, châu Phi và một số ở châu Mỹ, nơi đang có nhiều ngôn ngữ, phương ngữ, bận lo những vấn đề cấp bách ưu tiên. Đó là những mối lo về kinh tế, xã hội, tài chính nên chưa chú tâm đến việc bảo tồn văn hóa, phương ngữ của sắc dân thiểu số. Ví dụ ưu tiên cho dân là cơm ăn áo mặc đã. Câu nói : Có thực mới vực được đạo thật đúng vào tình trạng này.

b- Trong khi các nước phát triển ở Tây Âu, đã có thời gian dài tỏ ra thờ ơ với văn hóa, ngôn ngữ dân tộc thiểu số, mặc cho những bà con nghèo đó tiêu vong. Hiệân nay họ đã quan tâm đặc biệt đến sự bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ thiểu so, tuy hơi chậm. Quan niệm và thái độ này có thể được coi như như một mục tiêu của xã hội hậu công nghiệp. Tại châu Đại Dương (Úc), chính quyền cố gắng phục hồi các thổ ngữ của đại lục Uc, lập nhiều trường trung tâm, khuyến khích thổ dân đến học và đã có kết quả khả quan. Trường hợp ngôn ngữ New Hebrew của Do Thái được phục hồi là trường hợp rất đặc biệt.
Đó là do công lao của người Do Thái, đã chủ trương và tự thực hiện.
Tại Pháp từ năm 1794 đến năm 1951 có luật cấm sử dụng các ngôn ngữ thiểu số và các phương ngữ tiếng Pháp. Đến năm 1971, Pháp đã bỏ luật cấm sử dụng tiếng
Breton, Basque, Catalan, Corsican. Tại Na Uy suốt 50 năm, tiếng Saami (người Lapps) bị cấm không được dạy cho người Saami, nhung ngày nay đã có trường dạy
tiếng này, đã có trung tâm văn hóa Saami. Thời gian gần đây, tại Tây Âu, người ta có ngân sách để làm sống lại, phục hồi các ngôn ngữ như Breton, Corsican ở Pháp; Wallis ở Anh; Fritz ở Hòa Lan. ..
Tình trạng nguy cơ ngôn ngữ thiểu số bị tiêu vong và đe dọa tiêu vong đã khiến các nhà ngôn ngữ học, dân tộc học, sử học, lo lắng mất đi những kho báu văn hóa trên thế giới. Tại Hội nghị Ngôn ngữ học Quốc tế lần thứ 14 tại Bá Linh, năm 1987, nhiều đại diện đã nói lên mối quan tâm này, không những sợ bị mất ngôn ngữ ở Ấn Độ, châu Đại Dương, mà còn ở châu Phi, Nam và Bắc Mỹ. Đến Hôi nghị lần thứ 15 tháng 8 năm 1992 tại Quebec, Gia nã đại, chủ đề thảo luận chính là nguy cơ tiêu vong ngôn ngữ trên thế giới.
Điều nguy hại và đáng tiếc là rất nhiều phương ngữ biến mất mà người ta chưa có dịp nghiên cứu đến hay nghiên cứu sâu hơn. Các ngôn ngữ cứ mất dần đi trong khi con người mới chỉ có những ý niệm căn bản về các ngôn ngữ đang tồn tại. Trong Hôi nghị Ngôn ngữ này đã đưa ra những đề nghị với UNESCO để các nước liên hệ lưu tâm, nhằm bảo tồn các ngôn ngữ õcho các thế hệ mai sau.

Theo giới ngôn ngữ học, dân tộc học, văn hóa học thì một trong các phương cách là phải thu thập tài liệu, nghiên cứu, sắp xếp, hệ thống hóa các ngôn ngữ có nguy cơ bị tiêu vong. Cuốn sách đỏ nói về nguy cơ này đã được UNESCO công nhận, ngày 17 tháng 6 năm 1992, nhận định rằng nhiệm vụ căn bản là tiếp tục thu thập tin tức các ngôn ngữ có nguy cơ tiêu vong, về vị thế và mức cần thiết phải nghiên cứu chúng. Một ngân hàng tài liệu về các ngôn ngữ bị nguy cấp đã được thành lập ở Đại học Tokyo, Nhật bản.

Tài liệu về các ngôn ngữ bị nguy cấp ở nhiều vùng, nhiều quốc gia đã được công bố, thảo luận tại các hội nghị quốc tế: tháng 3 năm 1993 ở Việt Nam; tháng 10 năm 1995 ở Nhật bản; tháng 10 năm 1997 ở Hòa Lan; gần đây, ngày 25- 27 tháng 8 năm 1998, tại Anh. Quỹ các Ngôn ngữ có nguy cơ tiêu vong (Foundation for Endangered Languages) đã tổ chức lần thứ nhì cuộc Hội thảo vấn đề liên quan. Tại các cuộc hội thảo, các chuyên gia, quản trị viên, những người hoạt động chính trị, những tổ chức từ thiện đã trình bày tình hình ngôn ngữ bị tiêu vong và những công viêïc phải làm để duy trì, bảo tồn chúng ở khắp mọi vùng trên thế giới.
Chúng ta hy vọng những cố gắng nói trên tuy muộn và chậm nhưng sẽ dần dần thu được kết quả tốt.

(Tham khảo tài liệu của UNESCO)
DIỆU TẦN

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003