Oct 12, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Sinh hoạt văn học-nghệ thuật
SÁCH HAY: THE PARIS WIFE của tác giả Paula McLain - LINH VANG

Ngày phát hành: Ngày 22, tháng hai, 2011
Nhà xuất bản: Ballantine Books
Bìa cứng, sách dày 320 trang
Giá bán: $25

Đây là cuốn tiểu thuyết thứ nhì của nhà văn Paula McLain, nằm trong danh sách bán chạy New York Times Bestseller, về giai đoạn nhà văn Ernest Hemingway mới bắt đầu viết lách, khi đó chưa được ai biết đến tên, và đang sống với người vợ đầu tiên, Hadley Richardson. Truyện dựa trên những tài liệu có thật để kể về giai đoạn họ sống ở Paris qua cái nhìn của người vợ này.
Chicago, năm 1920, Hadley là một cô gái 28 tuổi, sống khép kín, hầu như lỡ thời, không còn hy vọng nào có được tình yêu hay hạnh phúc bình thường. Cô là con gái út, có cha đã tự tử bằng súng, các anh chị lớn đã lập gia đình. Sau một thời gian một mình chăm nom người mẹ đau ốm thì chính cô đã chứng kiến cái chết của người mẹ.
Trong một lần đi thăm bạn là Kate, cô gặp Ernest Hemingway, khi đó mới 20 tuổi, đang có mộng muốn thành nhà văn. Năm 17 tuổi, Ernest đã tình nguyện vào tổ chức Hồng Thập Tự, lái xe cứu thương ở mặt trận Ý, và đã bị thương nặng, suýt chết.
Sau một thời gian theo đuổi Hadley, Ernest cầu hôn, rủ Hadley qua Rome (nước Ý) sống, làm nơi viết lách. Nhưng sau đám cưới, năm 1921, không bao lâu, Ernest gặp nhà văn Sherwood Anderson, và qua đề nghị của nhà văn này là Ernest nên qua Paris sinh sống vì đó là nơi tập hợp của những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, và như thế sẽ giúp việc viết lách của Ernest có hiệu quả hơn.
Nơi đó, họ đã gặp những người mà được gọi là “Lost Generation”, Thế Hệ Lạc Lòai, gồm Gertrude Stein, Ezra Pound, và F. Scott Fitzgerald, đều từ Mỹ tới.
Mặc dù yêu nhau đắm đuối, vợ chồng Hemingway chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối đầu với một môi trường sống buông thả: rượu chè, sống vội, người này cặp bồ người kia, là giai đoạn của nhạc Jaz thịnh hành (Jaz Age Paris).
Ernest có tham vọng trở thành nhà văn nổi tiếng. Hadley ủng hộ, khuyến khích chồng, là điểm tựa của Ernest trong thời gian này khi mà Ernest còn rất nghèo. Họ sống bằng số tiền Hadley nhận được từ ông nội để lại là 2 ngàn Mỹ kim một năm, cộng thêm 50 Mỹ kim mỗi tuần Ernest nhận được khi viết cho tờ báo Co-operative Commonweath, mà việc này cũng không bền, Ernest đã nghỉ việc sau khi họ đi hưởng tuần trăng mật về. Chi phí cho chuyến qua Paris là bất ngờ vào lúc ấy Hadley hưởng được 8 ngàn tiền thừa kế từ một ông chú vừa mới mất. Nói tóm lại đây là giai đoạn Ernest đã phải sống nhờ vào Hadley, cũng như ngay lúc cầu hôn, Ernest đã biết là với tham vọng cho con đường viết lách, ông cần một người như Hadley, để ông có một chỗ tựa, và Hadley cũng là một con người rất thật. Có Hadley bên cạnh, ông cảm thấy an tâm.
Mỗi ngày đều đặn ông đến một căn phòng mướn sẵn để viết lách. Sau này, ông cũng viết ở quán cà phê.
Tuy không làm ra tiền nhưng thời gian họ sống ở Paris, qua cuốn tiểu thuyết thì họ đã ăn ngon, uống rượu ngon, đi giải trí nhiều nơi như là trượt tuyết, đi coi đấu bò.
Tình nghĩa vợ chồng của họ bắt đầu bị sứt mẻ khi Hadley rủi ro đánh mất một va-li đầy bản thảo mà Ernest đã cặm cụi viết trong ba năm, cộng thêm không lâu sau đó là cái tin Hadley cấn thai khi mà Ernest còn đang phấn chấn tìm một chỗ đứng trên văn đàn, lại còn rất trẻ và chưa có lợi tức cố định, nên chưa sẵn sàng làm cha. Độc giả nào mà là nhà văn sẽ hiểu rõ cái tâm trạng khi những bản thảo bị đánh mất thì buồn đến cỡ nào. Hadley không phải là nhà văn (người vợ duy nhất không ở trong giới nhà văn, nhà báo của Ernest H). Và chuyện muốn có con thì Hadley vì cũng sợ mình lớn tuổi nên cũng thầm muốn có con. Chuyện Hadley bỏ quên vòng xoắn ngừa thai ở nhà khi đi nghỉ mát với Ernest đã làm Ernest tức giận.
Ernest nhận việc phóng viên cho tờ Star ở Toronto, Gia Nã Đại, để có một lợi tức đều đặn mà lo cho đứa con và gia đình. Hai người dọn tới Toronto. Ai dè, khi nhận việc, lại gặp một ông sếp không ưa Ernest – còn người mà Ernest nghĩ là ông sẽ tới làm việc cho người đó thì ông ta lại đổi đi nơi khác rồi. Thế là sau khi đứa bé đủ cứng cáp thì họ lại dọn trở lại Paris.
Thời gian tiếp theo là cuốn tiểu thuyết The Sun Also Rises đã ra đời, tạo được tiếng vang. Hadley vẫn giữ vai trò người vợ, người bạn của Ernest, dù càng lúc càng khó vì môi trường đang sống đầy cám dỗ. Rồi bất ngờ có sự xuất hiện của người thứ ba là Pauline Pfeiffer (sẽ là người vợ thứ hai của Hemingway). Pauline trẻ hơn Hadley bốn tuổi (vẫn hơn Ernest bốn tuổi), ăn mặc thời trang hơn Hadley (Hadley vẫn nghĩ mình quê mùa, sợ rằng sẽ bị Ernest chê) vì là cây viết về thời trang cho tờ báo Vogue, lại làm ra tiền. Pauline khen tài năng của Ernest. Mới đầu Pauline làm bạn với Hadley rồi cướp luôn chồng bạn! Chính Hadley cũng nhận ra rằng Pauline như là một ma nữ quấn lấy Ernest, làm Ernest không tài nào gỡ ra nổi. Có một thời gian họ sống tay ba, nghĩa là Ernest vừa có vợ vừa có tình nhân sống chung trong một nhà! Pauline lại cũng đề nghị là cả ba nên về Mỹ, về quê của cô, cha mẹ cô sẽ cho họ một miếng đất để họ làm nhà ở chung.
Năm 1927, Hadley bằng lòng ly dị. Nhiều người đã cho là tại sao Hadley lại bỏ cuộc sớm như vậy, sao không tranh đấu giữ Ernest cho bằng được. Hadley đã nói rằng tình yêu đã không còn, chả khác gì sống ở trong một thành phố bỏ hoang, thì có tranh đấu cũng không ích gì. Hadley cũng nghĩ rằng từ một cô gái khép kín, mình bây giờ đã vào đời, đã lanh lợi hơn nhiều, đã tự đứng trên đôi chân của mình.
Phần lớn độc giả ai cũng biết Ernest Hemingway sau này là nhà văn nổi tiếng, được giải văn chương Nobel năm 1954, sau Pauline, có thêm hai người vợ nữa. Trong cuốn hồi ức A Moveable Feast, được coi như là tác phẩm sau cùng của ông, trước khi ông tự tử bằng súng vào năm 1961, ông đã viết về giai đoạn sống ở Paris, về Hadley. Và ông đã viết như thế này, tôi thà chết còn hơn yêu ai, ngoài Hadley. Như vậy, ở cuối đời, qua bao người vợ cũng như bao tình nhân khác nữa, một Hemingway đa tình mới nhận ra rằng, Hadley mới là người ông yêu và ông mới thật sự đã mất Hadley.
Về phần Hadley, bà lập gia đình một lần nữa với ông Paul Mower, từng là foreign editor cho tờ The Chicago Daily Newes, vừa là nhà thơ, và cũng là bạn của Hemingway ở Paris. Họ sống hạnh phúc cho tới khi ông mất năm 1971.
Khi được phỏng vấn về Hemingway, Hadley vẫn cho Ernest là “prince”, là hoàng tử của lòng bà, và thời kỳ ở Paris vẫn là thời kỳ đẹp nhất, dù Paris sau này thay đổi nhiều, không có thời kỳ nào bằng thời kỳ đó, thời kỳ Paris sau chiến tranh. Đời sống đơn giản, khó khăn mà họ có hạnh phúc. Đó là thời kỳ mà Ernest hòan hảo nhất. Tôi có chàng, và chàng có tôi. Chúng tôi đã mang lại cho nhau những gì tốt đẹp nhất.
Sao bà vẫn tiếp tục yêu ông và ái mộ ông sau khi ông đã làm bà đau khổ đến thế?
Tình yêu, nghèo khổ, phản bội có đủ cả trong The Paris Wife.
Đọc cuốn sách để nhìn được Paris, những con đường nghèo nàn, dơ bẩn, những quán cà phê đông đúc nhà văn, nhà thơ, của những thập niên 1920, sau chiến tranh Đệ Nhất Thế Chiến. Đọc để hiểu ra điểm tương đồng của hai nhân vật này: hai bà mẹ của họ đều cầm quyền gia đình; hai ông bố ít nói, sợ vợ, đều tự tử bằng súng.
Đây là một cuốn sách hay, tả cảnh cùng tình tiết rất sống động. Những ai là độc giả fan của nhà văn Ernest Hemingway thì lại càng nên tìm đọc.
Paula McLain nhận bằng MFA về thơ từ University of Michigan. Cô là tác giả của hai tập thơ; một hồi ức mang tên Like Family: Growing Up in Other People’s Houses; và một cuốn tiểu thuyết đầu tiên, A Ticket to Ride. Cô sống ở Cleveland cùng với gia đình.
Paula McLain cho biết cô viết cuốn tiểu thuyết này phần lớn tại quán cà phê Starbucks gần nhà.

LINH VANG

 

 

 


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003