Mar 29, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Sinh hoạt văn học-nghệ thuật
SÁCH HAY: The Tiger's Wife - Mimi BUI

Ngày phát hành: Ngày 8 tháng Ba, năm 2011
Nhà xuất bản: Random House
Bìa cứng, sách dày 338 trang
ISBN-13: 978-0385343831
Giá bán: $25

The Tiger’s Wife là tác phẩm đầu tay của nhà văn rất trẻ Téa Obreht. Cô sinh năm 1985, nghĩa là vào lúc này, năm 2011, cô được 26 tuổi, nhưng tác phẩm đã được hoàn thành khá lâu, khi đó cô chỉ mới 22, 23 tuổi. Cô sinh ra ở Begrade mà trước đây thuộc về Yugoslavia và sống ở Hoa Kỳ từ năm 12 tuổi. Chỗ đặc biệt, tài tình ở đây là cô viết cuốn sách bằng tiếng Anh lưu loát, là một thứ tiếng không phải là tiếng mẹ đẻ của cô (cô vẫn còn nói và viết được thứ tiếng ấy). Cô tả cảnh thật sống động và tả tâm lý nhân vật thật hay làm người đọc tưởng chừng tác giả phải là người lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm sống. Bối cảnh truyện có không khí chiến tranh, tác giả không nói rõ đó là nơi nào, nhưng người đọc có thể đoán là một nơi thuộc về xứ Yugoslavia, nơi bao nhiêu năm đã phải gánh chịu chiến tranh điêu tàn. Ngoài việc là món ăn giải trí mang tới người đọc, sách còn được nhiều nhà phê bình đánh giá cao, cho là có giá trị văn chương.   

 The Tiger’s Wife là cuốn tiểu thuyết nói về sự xung đột giữa người Thiên Chúa Giáo và người đạo Hồi, giữa người Thổ Nhĩ Kỳ và Ottomans, giữa khoa học và điều huyền bí.

Tác giả đặt tựa cuốn sách là Người Vợ Của Cọp là không đúng vì thật ra có ba cốt truyện chính trong đó, mà câu chuyện về Người Vợ Của Cọp chỉ là một. Một truyện là một cô gái muốn tìm hiểu về cái chết của ông ngoại cô. Truyện thứ hai là câu chuyện về một người không bao giờ chết. Và truyện thứ ba là câu chuyện về một cô gái câm điếc, vợ của một người bán thịt heo, nhưng lại làm bạn với một con cọp đã thoát ra khỏi sở thú khi thành phố bị Đức thả bom. Người chồng vũ phu thường đánh đập vợ (hắn ta bị bắt lấy cô vợ này là vì bị tráo hôn, yêu cô chị mà phải lấy cô em, giống chuyện VN không?), sau này không ai biết hắn ta đã đi đâu hay đã bị cọp ăn thịt rồi? Từ đó người trong làng kêu cô gái là người vợ của cọp.

 Natalia Stefanovic là một nữ bác sĩ trẻ, cùng bạn từ thuở thiếu thời là Zora, cũng là bác sĩ, đang trên đường qua biên giới, tới một cô nhi viện để chủng ngừa cho đám trẻ mồ côi ở đây, thì cô được tin ông ngoại cô mất. Và điều làm cô ngạc nhiên là ông mất ở một nơi rất xa nhà, không có người thân bên cạnh, dù rằng cô có biết là ông mắc bệnh ung thư - ông đã dấu bà ngoại và mẹ cô - chỉ cho một mình cô biết. Tại sao ông ngoại cô lại đi đâu xa như vậy khi ông là một bác sĩ và biết rõ bệnh tình của mình? 

 Muốn hiểu được nguyên do thì cô phải nhờ vào hai câu chuyện mà thuở nhỏ cô hay nghe. Một là câu chuyện về một người đàn ông bất tử và một là câu chuyện về người vợ của một con cọp. Ông ngoại cô thường kể ông đã gặp người đàn ông đó lần đầu khi ngoại vừa mới ra trường y khoa được hai năm. Lúc đó ông được người trong một cái làng nọ mời tới để chữa bệnh cho nhiều người trong làng– mà qua triệu chứng thì có vẻ như là bệnh lao phổi. Lúc đó, có một người vừa chết đuối, và khi người ta khiêng ông ta đi chôn thì tự nhiên cái hòm rung rinh và từ trong cái hòm phát ra tiếng người xin nước uống! Người đàn ông không bao giờ chết đó tên là Gavran Gailé, tự xưng là cháu của Thần Chết, bị Thần Chết phạt là không cho chết và có bổn phận đi đón những người sắp chết. Là một người tin vào khoa học, ông ngoại cô không tin vào những điều Gavran Gailé nói. Gavran nói, vậy thì tôi với ông cá đi, nếu tôi không chết thì ông phải giao cho tôi vật gì mà ông quý nhất và để tôi ra đi.

Ông ngoại thắc mắc. Tại sao anh bị chết đuối mà sau đó còn lãnh thêm hai phát súng bắn sau ót nữa? Hắn trả lời, là vì hắn báo cho cái người đó biết là ông ta sắp chết! Nên người đó dìm hắn xuống hồ cho chết? Ông ngoại hỏi, còn ai bắn anh? Bắn sau ót thì làm tôi biết, có Trời mà biết!

Rồi mười lăm năm sau, ông ngoại cô lại gặp người bất tử và không bao giờ già đó ở một vùng nọ có cái hồ mà người ta đồn là Đức Mẹ Đồng Trinh thường xuất hiện, nên nhiều người mắc bệnh tới đó cầu xin. Ông ngoại cô được gửi tới chăm sóc những người bệnh nan y này. Đêm đó, ông ngoại cô lại nghe có người hỏi xin nước uống. Cuộc đối thoại giữa hai người rất là tếu. Gavran Gailé cho ông ngoại cô biết là ai sẽ chết, dù rằng những người đó theo nhận xét của ông ngoại cô thì không có vẻ gì bị bệnh nặng để đến nỗi phải chết ngay đêm đó. Quả nhiêu, đêm đó có ba người chết và họ chết theo thứ tự mà Gavran Gailé đã cho biết!    

Natalia đoán là ông ngoại cô sau này khi biết mình bị bệnh nan uy ông đã đi tìm người bạn (không bao giờ già) này để người đó đón ông qua bên kia thế giới! Ông ngoại cô đã về quê cũ là tỉnh lỵ nhỏ mang tên Galina nơi ông đã được sinh ra và lớn lên, để mất ở đó.

Qua hai câu chuyện về “the deathless man”, người đàn ông không chết; và Người Vợ Cọp (vợ của Cọp), sách mang tính cách huyền bí. Khi Natalia và Zora đến ở tạm tại một tu viện trong lúc chữa bệnh cho đám con nít, thì Natalia thấy chung quanh cô có một chuyện lạ. Mấy đứa con nít của gia đình nọ đang đau ốm, nhất là đứa con gái nhỏ cứ ho sù sụ suốt đêm, mà cả gia đình thì cứ lo đào đào xới xới như tìm kiếm một vật gì ở khu vườn trồng nho. Hỏi ra thì họ đang tìm hài cốt của một người anh họ, trong chiến tranh vào 12 năm trước, đã chết và được gia trưởng gia đình này chôn vội vã ở đây. Người chết không hài lòng với cái chỗ anh ta đang nằm nên bắt gia đình này ai cũng bị đau ốm. Muốn không đau ốm thì phải đưa anh ta tới một chỗ nằm khác, thoải mái hơn. (Đọc đoạn này, thấy người xứ Yugoslavia cũng tin vào thế giới bên kia giống như người VN mình. Cũng như có một đoạn nói rằng sau khi chết trong vòng 40 ngày –mình cho là 49 ngày?- cái hồn người chết còn lang thang, chưa biết đi đâu.) 

 Hồi 9, 10 tuổi, ông ngoại cô rất mê thấy được cọp. Từ thuở đó cho tới khi mất, lúc nào ông cũng mang theo trong người cuốn The Jungle Book của Kipling. Tác giả không cho biết tại sao ông lại khư khư giữ cuốn sách này, cũng như lý do gì lại thích con vật này.     

 Hay nhất là những đọan tả những lần gặp gỡ, đối thoại giữa ông ngoại của Natalia và người bất tử, sẽ thấy cái tài khéo léo của một “cô bé nhà văn” này. Phần đối thoại rất là dí dỏm, hài hước, người đọc sẽ không nín được cười, cho dù đang ngồi đọc sách ở thư viện là chỗ đông người nhưng ai cũng phải giữ sự yên lặng!

  Nếu bạn tìm được bộ CD đọc truyện thì sẽ hay hơn nữa – khi hai nghệ sĩ Susan Duerden và Robin Sachs đọc truyện như là diễn xuất những đoạn đối thoại này, nghe rất buồn cười. Bộ CD gồm 9 đĩa và mất 11 tiếng 30 phút để nghe. 

 Những tác phẩm của Téa Obreht đã xuất hiện trong The New Yorker, The Atlantic, Harper’s, The New York Times, và The Guardian, và cũng xuất hiện trong tuyển tập văn những truyện ngắn hay nhất của tác giả Mỹ -The Best American Short Stories- và The Best American Non-Required Reading. Téa Obreht được báo The New Yorker chọn là một trong 20 tác giả viết truyện xuất sắc nhất dưới 40 tuổi.

Cô hiện sinh sống ở Ithaca, New York.  


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003